Ngày 27/10, vào lúc 10 giờ 52 (giờ Mát-xcơ-va), Nga đã phóng thành công tên lửa vận tải Kosmos-3M tại bãi phóng Plesetsk ở phía Tây Bắc. Sau 35 phút tên lửa đẩy này đã lần lượt đưa 9 vệ tinh của các nước Nga, Trung Quốc, Anh, Iran… vào quỹ đạo mặt trời đồng bộ ở 98,2 độ quỹ đạo nghiêng, cách mặt đất 690km.
Tên lửa vận tải Kosmos-3M |
Tên lửa đẩy Kosmos-3M được phóng lần này dùng nhiên liệu đốt cấp hai dùng cho tên lửa, dài 32,4m; đường kính 2,8m; trọng lượng lúc phóng 109 tấn; có thể đưa trọng lượng từ 300 – 150kg lên các quỹ đạo thấp, trung và cao.
Kosmos-3M còn đưa một số vệ tinh khác của Anh, Iran, Cục Hàng không Vũ trụ châu Âu lên quỹ đạo, trong đó vệ tinh của Cục Hàng không Vũ trụ Châu Âu sau khi lên quỹ đạo sẽ thả thêm 3 vệ tinh siêu nhẹ của Thuỵ Điển, Đức và Nhật, ba quả vệ tinh này có trọng lượng mỗi quả khoảng 1kg và đều phục vụ cho mục đích giảng dạy
Lần này, Nga phóng vệ tinh Mozhayets-5 nặng 90kg, vệ tinh này được Học viện quân sự Hàng không Vũ trụ Mozhayets cung cấp phục vụ cho việc giảng dạy.
Qua vệ tinh, các học viên của Học viện quân sự sẽ học cách điều khiển thiết bị hàng không và học phân tích thông tin truyền về từ vệ tinh. Ngoài ra, vệ tinh còn có thể dùng để nghiên cứu ảnh hưởng của dòng bức xạ ở độ cao 700 – 800km từ mặt đất đối với các thiết bị đo bên trong vệ tinh
Còn Trung Quốc đưa vệ tinh cỡ nhỏ “Trung Quốc DMC+4” do công ty SSTL của Anh chế tạo, vệ tinh nặng 150kg, trên vệ tinh có lắp hai máy ảnh có độ chính xác 32m và 4m, trong đó một máy ảnh có thể dùng để giám sát hoả hoạn và môi trường, máy còn lại sẽ dùng để vẽ bản đồ.
Từ năm 1967 cho đến nay, Nga đã phóng hơn 410 lần loại tên lửa đẩy Kosmos-3M tại bãi phóng Plesetsk, đưa hơn 730 loại thiết bị vào không gian.
Tuyết Nhung (Theo Xinhuanet)