Tên lửa đẩy "Rokot" của Nga ngày 2/11 đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ Plesetsk, miền Bắc nước này, đưa 2 thiết bị vũ trụ của châu Âu gồm vệ tinh quan sát Trái Đất SMOS và thiết bị thử nghiệm công nghệ Proba-2 lên quỹ đạo.
Vệ tinh SMOS (Soil Moisture and Ocean Salinity) là vệ tinh thứ 2 do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chế tạo trong chương trình "Hành tinh sống". Vệ tinh SMOS dùng để theo dõi ở cấp độ toàn cầu 2 thông số ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu là độ ẩm của đất và nồng độ muối của các đại dương.
ESA cho biết vệ tinh có thể phát hiện những biến đổi nồng độ muối tương đương 0,1g muối trên 1 lít nước và độ ẩm của đất ở mức một thìa càphê trên một nắm đất.
Các số liệu từ SMOS sẽ bổ sung các thông tin còn thiếu về những thay đổi cấp toàn cầu độ ẩm bề mặt đất và nồng độ muối các đại dương, giúp hiểu sâu hơn về tuần hoàn nước trên Trái Đất, từ đó xây dựng các mô hình khí hậu hoàn thiện hơn cũng như tăng độ chính xác cho các dự báo thời tiết.
Theo ESA, những số liệu về vòng luân chuyển toàn cầu của độ ẩm trên Trái Đất sẽ giúp các nhà sinh thái học hiểu rõ hơn các quá trình dẫn đến sự biến đổi khí hậu cũng như dự đoán sự xuất hiện của những điều kiện thời tiết cực đoan, hay những nơi có thể xuất hiện các cơn bão.
SMOS có khối lượng 658kg, hoạt động ở quỹ đạo cao 760km, thời hạn sử dụng 3 năm và có thể kéo dài thêm 2 năm.
Vệ tinh Proba-2 dùng để kiểm tra hiệu quả của các công nghệ vũ trụ mới sau đó sẽ được sử dụng chế tạo những thiết bị vũ trụ tương lai.
Dự kiến vệ tinh này sẽ thử nghiệm sản phẩm công nghệ mới đồng thời thực hiện 4 thí nghiệm khoa học theo dõi Mặt Trời và thời tiết từ vũ trụ. Vệ tinh nặng 130kg, hoạt động ở quỹ đạo cao 800km với thời gian sử dụng 2 năm./.