Ngân hàng não tạo điều kiện nghiên cứu chứng rối loạn thần kinh và cải thiện phương pháp điều trị cho người châu Á.
Ngân hàng Não Singapore bắt nguồn từ ý tưởng của các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Trường Y khoa Lee Kong Chian (LKCMedicine), Tập đoàn Y tế Quốc gia (NHG) và Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia (NNI).
Mẫu vật não người lưu trữ tại Trung tâm tài nguyên giải phẫu, Trường Y khoa Lee Kong Chian. (Ảnh: Straits Times).
Cơ sở trị giá đầu tư 500.000 USD, được thành lập với mục đích lưu trữ các nghiên cứu về mô não và tủy sống từ người hiến tặng đã qua đời. Đây cũng là ngân hàng não đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á.
Đặt mục tiêu thu hút 1.000 người hiến não trong vòng bốn năm tới, Ngân hàng Não Singapore nhận hiến tặng từ cả những người khỏe mạnh và các bệnh nhân mắc chứng thoái hóa, rối loạn thần kinh.
Các nhà khoa học nhận định, ngân hàng não Singapore là vô cùng cần thiết, trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng. ¼ người dân nước này sẽ bước vào tuổi 65 trong năm 2030, tuổi thọ trung bình dự kiến tăng lên 84,8.
Philip Choo, Giám đốc điều hành Tập đoàn Y tế Quốc gia (NHG) nhấn mạnh tính cấp thiết của các nghiên cứu liên quan đến đột quỵ, Parkinson và chứng mất trí nhớ (Alzheimer).
Chứng rối loạn thần kinh như Alzheimer và Parkinson có ảnh hưởng khác nhau lên não bộ của người dân châu Á và người da trắng. Trước đây, quá trình nghiên cứu thường được thực hiện trên mô động vật hoặc kết quả chiếu chụp từ não người dân từ châu lục khác. Tuy nhiên, với công nghệ hiện có, quét não không thể đạt đến cấp độ phân tử. Chính vì vậy những công trình được phát triển ở phương Tây không thể áp dụng trực tiếp đối với người dân Singapore.
Ngân hàng não cho phép các nhà khoa học phân tích mô não người châu Á và cải thiện phương pháp điều trị các bệnh thường gặp.
Ngân hàng não cho phép các nhà khoa học phân tích mô não người châu Á. (Ảnh: Straits Times).
Giáo sư Richard Reynold cho biết, để các gia đình kịp thời an táng, ngân hàng sẽ tiến hành phẫu thuật trong vòng 24 giờ kể từ khi người hiến tặng qua đời. Các mô não sau đó được trữ đông trong môi trường -80 độ C, giúp bảo quản trong nhiều thập kỷ.
Danh tính của người hiến tặng được bảo mật tuyệt đối, lưu trữ trong một máy tính độc lập, chỉ Giám đốc và Chủ tịch ngân hàng có quyền truy cập. Đồng thời, quá trình sử dụng não để nghiên cứu phải được xét duyệt nghiêm ngặt về mặt đạo đức và khoa học.
Kết quả khảo sát cho thấy người dân Singapore có thái độ tích cực trước sự ra mắt của ngân hàng. 50% số người được hỏi cho biết sẵn sàng tham gia hiến tặng.
Tuần trước, Lovely Fernandez 41 tuổi, đã đăng ký hiến tặng não của mình, bất chấp sự e ngại từ gia đình.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 27/11, cô cho biết: "Tôi được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng, một căn bệnh nan y khiến bên trái cơ thể tê liệt trong 10 năm qua. Hy vọng bằng hình thức hiến tặng, tôi có thể giúp các nhà khoa học tìm ra cách chữa trị cho người khác".
Hiện đã có ba người đăng ký hiến tặng.