Sinh sống biệt lập với thế giới, Chimbu là một trong số ít những bộ tộc vẫn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của mình đặc biệt là tục vẽ xương người.
Theo RC, nhiều dân tộc trên thế giới hiện vẫn duy trì nghi lễ sử dụng chính cơ thể để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Nghi lễ vẽ xương trên cơ thể của các bộ lạc ở Chimbu lại mang tính độc đáo hơn, ranh giới giữa nghệ thuật và trần tục đôi khi không còn rõ ràng, nặng tính nghi lễ tôn giáo.
Nghi lễ vẽ xương trên cơ thể của các bộ lạc ở Chimbu.
Chimbu là tên gọi chung các bộ lạc sống ở tỉnh Chimbu, Papua New Guinea, nơi có độ cao trên 7.800 feet (khoảng 2.377m) so với mặt nước biển, lần đầu tiên tiếp xúc với nền văn minh phương Tây vào năm 1934.
Trên thực tế, rất khó nói chính xác những bộ tộc Chimbu hiện có bao nhiêu người. Người ta ước tính có khoảng 60.000, còn theo một cuộc tổng điều tra dân số do chính phủ Papua New Guinea thực hiện năm 2011 thì toàn tỉnh có dân số trên 376.000 người. Ngôn ngữ chính của các bộ tộc Chimbu là tiếng Kuman, 1 trong 800 ngôn ngữ của Papua New Guinea hiện nay.
Đàn ông Chimbu là những người chịu trách nhiệm về chính trị và phòng thủ. Họ cũng là trụ cột gia đình. Trong khi đó, phụ nữ chịu trách nhiệm nội trợ và bán sản phẩm tươi sống, thường là rau ở các làng lân cận.
Một trong số những đồ vật có giá trị nhất của một người đàn ông Chimbu là lợn. Một con lợn thường được làm thịt để kỷ niệm các sự kiện như đám cưới, đám ma hoặc khi một em bé chào đời.
Người Chimbu phụ thuộc vào nông nghiệp. Khoai lang là cây trồng chính ở đây, chiếm khoảng 3/4 chế độ ăn của người dân địa phương. Các loại thực phẩm khác bao gồm đậu, các loại hạt và trái cây. Trồng cà phê cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều người.
Người Chimbu không tiếp xúc với người phương Tây cho đến năm 1934, khi hai nhà thám hiểm Úc Michael Leahy và James Taylor vô tình gặp họ trong một chuyến khám phá. Chính phủ Úc sau đó có nhiều hành động để cố gắng tạo ảnh hưởng và giữ hòa bình trong khu vực.
Nhìn chung, bất chấp ảnh hưởng của chính phủ Úc trong nhiều năm gần đây và sự xuất hiện của khách du lịch, người Chimbu tiếp tục gìn giữ phong tục và truyền thống được ca ngợi của họ, kể cả “điệu nhảy xương” trông có vẻ đáng sợ với người ngoài.
Vào lễ hội Mount Hagen hàng năm, cư dân nơi đây sẽ cùng nhau nhảy múa trong bộ dạng những bộ xương kỳ quái. Lễ hội này diễn ra trong sáu ngày và các bộ tộc ở vùng cao chia sẻ văn hóa và nghi lễ của họ với nhau.
Nghi lễ vẽ xương trên cơ thể được kết hợp với khiêu vũ nhằm mục đích đe dọa kẻ thù. Ngày nay, một phần của nghi thức này được gọi là "Sing Sing". Theo đó, các bộ lạc lân cận cùng nhau quy tụ, tổ chức các nghi lễ truyền thống của mình.
Nghi lễ vẽ xương trên cơ thể được kết hợp với khiêu vũ nhằm mục đích đe dọa kẻ thù.
Người Chimbu vô cùng hiếu chiến và dễ dàng có thể đánh nhau tới chết mà không do dự, vì thế từ khi tiếp xúc với người Chimbu chính phủ đã dần dần thiết lập một hệ thống tư pháp nhằm hạn chế bạo lực ở khu vực này.
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nghi lễ vẽ xương trên cơ thể của các bộ tộc Chimbu vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Người ta dùng các loại màu lấy từ cây cỏ, đất sét để vẽ lên người để nổi bật các phần xương và hộp sọ tạo ra các bộ xương di động.
Các vũ công này cùng tham gia nhảy múa, trong không khí trống chiêng huyên náo và vui nhộn. Nếu đến gần, nhìn kỹ thì đây không phải là những thây ma biết khiêu vũ, mà là người trần mắt thịt được sơn đen từ đầu đến chân, còn các phần xương, và hộp sọ lại được sơn trắng, tạo ra những chiến binh khung xương nhưng lại biết xung trận.