Nghiên cứu mới đây cho thấy, gần một nửa số cửa sông trên thế giới đã bị con người thay đổi và 20% cửa sông đã biến mất trong 35 năm qua, đặc biệt ở các nước châu Á.
Cửa sông – nơi sông gặp biển – thường được gọi là “vườn ươm của biển”. Đây là nơi sản sinh ra nhiều loài cá và là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim. Đầm lầy muối xung quanh cửa sông còn giúp ổn định bờ biển và ngăn chặn lũ lụt.
Một tàu đánh cá di chuyển ở cửa sông Hoàng Hà, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Guardian).
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy, gần một nửa số cửa sông trên thế giới đã bị con người thay đổi và 20% cửa sông đã biến mất trong 35 năm qua.
Sử dụng dữ liệu vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã đo lường những thay đổi xảy ra tại 2.396 cửa sông từ năm 1984 đến năm 2019.
Kết quả được công bố trên tạp chí Tương lai Trái đất cho thấy, trong 35 năm qua, hơn 100.000 ha cửa sông đã bị chuyển đổi thành đất đô thị hoặc nông nghiệp, với phần lớn diện tích bị mất (90%) xảy ra ở các nước đang phát triển ở châu Á.
Ngược lại, tổn thất cửa sông rất ít xảy ra ở các quốc gia có thu nhập cao trong suốt 35 năm qua, nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi cửa sông trên diện rộng đã xảy ra từ nhiều thập kỷ trước, trong giai đoạn phát triển nhanh chóng của chính các quốc gia đó.
Nhiều quốc gia có thu nhập cao hiện đang nhận ra và khắc phục thiệt hại từ việc này. Chẳng hạn, Anh đã đầu tư vào cửa sông Tees để đưa khu vực này trở lại thành bãi bồi và đầm lầy muối, giúp giảm nguy cơ lũ lụt, tăng khả năng phục hồi trước khủng hoảng khí hậu, đồng thời bổ sung quần thể cá, và để thiên nhiên phục hồi.