Tiếp xúc với kim loại nặng như cadmium, urani, đồng không chỉ gây ra ung thư, các vấn đề thần kinh hay sinh sản, mà còn cả các bệnh tim mạch, theo một nghiên cứu mới cho thấy.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí của Học viện Tim mạch Mỹ, việc tiếp xúc với kim loại qua hút thuốc, nước uống, ô nhiễm, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng có thể dẫn đến sự tích tụ canxi trong động mạch vành.
Sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch có thể dẫn đến các tình trạng như đột quỵ và bệnh tim mạch vành, có thể gây loạn nhịp tim, ngừng tim hoặc suy tim.
Kim loại nặng có trong nước uống hay không khí có thể gây tích tụ canxi trong động mạch vành, gây ra tình trạng viêm mãn tính. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Theo các bác sĩ tim mạch Sadeer Al-Kindi, Khurram Nasir và Sanjay Rajagopalan, mức độ liên quan giữa kim loại nặng và bệnh tim mạch là "đáng kinh ngạc", tương đương với hút thuốc lá hay tiểu đường. Họ nhấn mạnh rằng việc tiếp xúc với kim loại nặng có thể là một nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe tim mạch.
Tiến sĩ Katlyn E. McGraw, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học Columbia, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: "Những phát hiện của chúng tôi làm nổi bật tầm quan trọng của việc xem xét phơi nhiễm kim loại là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch".
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 6.418 người trong độ tuổi từ 45 đến 84 từ tháng 7/2000 đến tháng 8/2002. Các tác giả nghiên cứu cho biết: “Mặc dù các cơ chế tiềm ẩn mà các kim loại này có thể thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch vẫn chưa được làm sáng tỏ", nhưng họ giả thuyết rằng sự hiện diện của kim loại nặng có thể thúc đẩy sự xơ cứng động mạch một phần thông qua việc gia tăng tình trạng viêm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không chỉ có kim loại trong không khí và nước uống mà ô nhiễm cadmium, vonfram, urani, coban, đồng và kẽm còn xuất phát từ các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp. Cụ thể, những kim loại này được sử dụng rộng rãi trong phân bón, pin, sản xuất dầu, khai thác mỏ, và sản xuất năng lượng hạt nhân. Điều này làm tăng mức độ phơi nhiễm của con người và đòi hỏi cần có sự can thiệp mạnh mẽ để giảm thiểu nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng.
Để giảm thiểu tiếp xúc với kim loại nặng, các biện pháp từ các nhà hoạch định chính sách là cần thiết, nhưng cá nhân cũng có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như bỏ thuốc lá (cả thuốc lá điện tử); sử dụng nước uống đã được lọc sạch; sống lành mạnh; sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp như khẩu trang, quần áo bảo hộ khi làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với các kim loại nặng v.v.