Những phát hiện mới đây cho thấy các nhà nghiên cứu trên thế giới có thể đang đánh giá thấp mức độ phổ biến của hạt vi nhựa trong không khí.
Khoảng 74 tấn hạt vi nhựa đã rơi xuống từ bầu khí quyển ở thành phố Auckland của New Zealand vào năm 2020, tương đương với 3 triệu chiếc chai nhựa.
Thông tin đáng báo động này vừa được các nhà khoa học Đại học Auckland công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới tính toán tổng khối lượng hạt vi nhựa trong không khí của một thành phố. Kết quả của nó cho thấy khả năng các nhà nghiên cứu đang đánh giá thấp mức độ phổ biến toàn cầu của hạt vi nhựa trong không khí.
Một góc thành phố Auckland của New Zealand. (Ảnh: AFP)
Để tiến hành nghiên cứu, nhóm chuyên gia Đại học Auckland đã thu thập các hạt vi nhựa rơi trên một mái nhà ở trung tâm thành phố cũng như trên một khu vườn ở ngoại ô thành phố. Hầu như tất cả các hạt vi nhựa đều quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó, họ đã xác định các hạt này bằng cách bôi thuốc nhuộm phát sáng, cũng như là biện pháp xử lý nhiệt.
Ông Joel Rindeaub, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Khi chúng tôi xem xét phạm vi càng nhỏ thì chúng tôi càng thấy nhiều hạt vi nhựa. Điều này đáng quan tâm vì loại kích thước nhỏ nhất lại có tính độc hại cao nhất”.
Nhóm chuyên gia cảnh báo các hạt vi nhựa nhỏ nhất dễ bị hít vào cơ thể người. Chúng có khả năng xâm nhập vào tế bào, vượt qua mạch máu và thậm chí tích tụ trong nội tạng như gan và não. Ông Rindeaub nói: “Trong tương lai, chúng tôi cần định lượng chính xác lượng nhựa mà chúng ta đang hít vào”.
Trên phạm vi một mét vuông trong một ngày, nghiên cứu của Đại học Auckland cho thấy số lượng nhựa trung bình trong không khí là 4.885 hạt vào năm 2020. Con số này lớn gấp nhiều lần so với tỷ lệ 771 hạt trong một nghiên cứu năm 2020 ở London, 275 hạt trong một nghiên cứu năm 2019 ở Hamburg và 110 hạt trong một nghiên cứu năm 2016 ở Paris. Phần lớn sự khác biệt trên là do nghiên cứu của Auckland tính đến các phạm vi kích thước nhỏ hơn, vốn không phải là một phần của nghiên cứu trước đó.
Kể từ khi bắt đầu sản xuất hàng loạt vào thập niên 1950, con người đã tạo ra hơn 8,3 tỷ tấn nhựa, 79% trong số đó kết thúc ở các bãi chôn lấp hoặc đổ ra môi trường tự nhiên. Hạt vi nhựa sinh ra từ quá trình phát triển sản phẩm thương mại và sự phân hủy của các loại nhựa lớn hơn. Một khi xâm nhập vào môi trường tự nhiên, chúng có thể gây ô nhiễm đất, giết chết động vật hoang dã và xâm nhập vào chuỗi thức ăn.
Ở Auckland, polyetylen - thường được sử dụng trong vật liệu đóng gói - là chất được phát hiện nhiều nhất, tiếp theo là polycacbonat, một loại nhựa thường được sử dụng trong các sản phẩm điện và điện tử. Nghiên cứu cũng ghi nhận mối quan hệ giữa ô nhiễm nhựa trong đại dương, hạt vi nhựa trong không khí ở Auckland và sức gió mạnh hơn từ Vịnh Hauraki của Đảo Bắc thuộc New Zealand.
Chuyên gia Joel Rindeaub nhận định điều này là một phần quan trọng trong quá trình dịch chuyển hạt vi nhựa đi toàn cầu. Và nó có thể giúp giải thích làm thế nào một số hạt vi nhựa xâm nhập vào khí quyển và được mang đến những nơi xa xôi, như ở New Zealand.
Vi nhựa là các hạt nhựa nhỏ hơn 5 mm, có ảnh hưởng độc hại đối với tế bào con người và động vật, nhưng tác động cụ thể của chúng đối với sức khỏe vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Những hạt nhựa nhỏ này có thể mất nhiều thập kỷ để phân hủy hoàn toàn.