Một nghiên cứu mới đây cho thấy sự khác biệt về thái độ của người chơi bài, cụ thể ở đây là về kết quả trận đấu. Nghe có vẻ hiển nhiên vì trong một ván bài tất sẽ có người thắng kẻ thua, nhưng điều đáng nói là những người chơi sẽ cảm thấy công bằng khi họ giành chiến thắng.
Được đăng tải trên trang Science Advances, nghiên cứu đã chỉ ra những người thắng trò chơi đỏ đen thường cảm thấy công bằng, trong khi ngược lại, những người thua lại không phục kết quả. Và sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra rằng liệu nghiên cứu này có quá là hiển nhiên và ai cũng biết điều đó? Câu trả lời là không.
Chúng ta luôn tự thuyết phục bản thân rằng mình xứng đáng với những thành quả tốt đẹp, mặc cho đó có là những ưu tiên sắp xếp sẵn.
Ở nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã lập nên một trò chơi với quy luật rất đặc biệt: người thắng cuộc ở ván trước có thể bỏ những lá bài xấu của mình và lấy đi những lá bài tốt của đối thủ. Khi nhìn và, có lẽ ai cũng thấy được đây thực sự là một luật chơi vô lý, ấy vậy mà những người thắng cuộc lại không nghĩ vậy.
Có tới 60% những người thắng cuộc cho rằng đây là một luật chơi cực kì công bằng và họ thường lấy lí do về kĩ năng để giải thích cho chiến thắng của mình. Trong khi chỉ 30% những người thua cuộc nghĩ đó là công bằng, và hầu hết những người thua cuộc còn lại đều không tin kĩ năng có thể giúp họ dành chiến thắng.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã thay đổi luật chơi để khiến nó trở nên bất công hơn nữa. Và kết quả khảo sát cho ra hết sức thú vị: những người thắng cuộc đều phải thừa nhận luật chơi ấy là vô lý.
Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu đã dựa trên kết quả nghiên cứu về trò chơi may rủi mà rút ra được kết luận về tâm lý xã hội: những cá nhân có đặc quyền, lợi thế thường tin những gì họ đạt được đều nhờ vào chính sự chăm chỉ của mình, chứ không phải là một sự sắp đặt ưu tiên từ trước.
Qua đây, thật thú vị khi trong suy nghĩ, chúng ta luôn tự thuyết phục bản thân rằng mình xứng đáng với những thành quả tốt đẹp, mặc cho đó có là những ưu tiên sắp xếp sẵn. Và bạn nghĩ sao về nghiên cứu và kết quả kể trên?