Nghiên cứu tế bào gốc: Còn xa để "thay quyền tạo hóa"!

Gần đây, có nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được công bố cho thấy, khả năng thay thế các cơ phận người bị hỏng từ các tế bào gốc... Triển vọng này bao giờ được ứng dụng trong thực tế?

Hai nhóm nhà khoa học ở Nhật và ở Mỹ đã làm được điều kì diệu: biến đổi tế bào da thành tế bào gốc (TBG) có khả năng tương tự TBG phôi người (được xem là loại TBG duy nhất có thể biến thành bất cứ mô, cơ quan nào, có tính ưu việt so với các loại TBG trưởng thành)...

Từ TBG đã biến đổi này có nhiều ưu thế để nuôi cấy thành những tế bào (TB) bất kì trên cơ thể. Đây là cú "lội ngược dòng" với những nghiên cứu trước đây, khi TBG phôi thai bị lên án vì vấn đề vi phạm đạo lý, chỉ từ những TBG trưởng thành mới có khả năng biến thành các mô, tế bào cơ quan.

Từ TBG đã biến đổi này có nhiều ưu thế để nuôi cấy thành những tế bào (TB) bất kì trên cơ thể. Đây là cú "lội ngược dòng" với những nghiên cứu trước đây, khi TBG phôi thai bị lên án vì vấn đề vi phạm đạo lý, chỉ từ những TBG trưởng thành mới có khả năng biến thành các mô, tế bào cơ quan.

Nghiên cứu tế bào gốc ở ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (Ảnh: V. Giang)

Trước sự thành công của nghiên cứu trên, nhiều độc giả có thắc mắc gửi về VietNamNet, nghi ngại về hiệu quả kinh doanh khoa học và y tế của TBG cuống rốn trong sự phát triển những ngân hàng TBG cuống rốn ở Việt Nam. Bởi nhiều người cho rằng, TBG tương tự phôi thai nhất định có nhiều ưu điểm hơn TBG trưởng thành.

Trước đó, việc "thay quyền tạo hoá tạo thêm mắt cho sinh vật” khi một nhóm các nhà khoa học thành công trong việc tạo con mắt thứ 3 cho nòng nọc cũng khiến nhiều người hy vọng con người sẽ khắc phục được mọi thiếu khuyết, bệnh tật khi có sự tiến bộ của khoa học tế bào gốc. Tuy vậy, Thạc sĩ Phan Kim Ngọc (ĐH Khoa học Tự Nhiên, ĐHQG TP.HCM), một chuyên gia TBG khẳng định: “Hãy còn xa để lo nghĩ tới những vấn đề như thế”!

Vẫn cần những ngân hàng TBG cuống rốn

Phát hiện tế bào da chuyển đổi thành TBG có chức năng tương tự TBG phôi thai người thuộc hai nhóm nghiên cứu độc lập công bố trong cùng 1 thời điểm, một nhóm thuộc ĐH Kyoto (Nhật), một nhóm thuộc ĐH Wisconsin (Mỹ).

Tạp chí khoa học Cell đưa thông tin các chuyên gia ở ĐH Kyoto (Nhật) cho biết họ đã dùng bốn loại protein để kiểm soát gen tái cấu trúc lại nguyên bào sợi của người trưởng thành - loại tế bào da rất dễ nuôi cấy. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Wisconsin (Mỹ) cũng đạt thành quả tương tự khi sử dụng hỗn hợp hóa chất có đôi chút khác biệt so với các chuyên gia Nhật.

Qua chuyển đổi của nhóm các nhà khoa học này, tế bào da (tế bào đã trưởng thành) trở thành loại tế bào có chức năng tương tự tế bào gốc phôi thai người – loại TBG có khả năng tăng sinh cao, trẻ và được xem là loại tế bào duy nhất có thể phát triển thành bất kỳ tế bào nào của con người sau khi biệt hoá. Trong hoàn cảnh nhiều quốc gia lên tiếng phản đối nghiên cứu TBG từ phôi thai người (do vi phạm đạo lý), nghiên cứu trên được xem là “chấn động” về sự thành công và có ý nghĩa to lớn của nó.

Nghiên cứu này đã được kiểm định khi sau 12 ngày nuôi cấy tế bào gốc da trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học Nhật đã sản xuất thành công mô tim và não của chính người này. Còn nhóm nghiên cứu của ĐH Wisconsin (Mỹ) đã chế tạo được tám chuỗi tế bào gốc mới.

Cùng với thành công này, là vấn đề nhiều độc giả đặt ra: Trước đây, khi khoa học chưa thể cấu trúc lại tế bào da hay tế bào trưởng thành thành tế bào gốc tương tự tế bào phôi thai người thì những ngân hàng tế bào gốc cuống rốn sẽ rất có giá trị. Nhưng nay, với nghiên cứu vừa công bố như đã nói ở trên, thì TBG cuống rốn liệu có còn giá trị cao về khoa học, y học nữa không, và có ảnh hưởng kinh tế tới những ngân hàng máu cuống rốn (hoặc màng cuống rốn) ở Việt Nam hay không?

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường khẳng định: phát hiện này hoàn toàn không trở ngại hay có khả năng gây lo ngại gì đối với TBG cuống rốn hay sự phát triển những ngân hàng TBG cuống rốn. TBG từ máu cuống rốn có tiềm năng sử dụng ít hơn phôi thai, nhưng dễ thu thập và nghiên cứu hơn.

Mặt khác, việc nuôi cấy và phân lập tế bào gốc từ da người cũng chỉ mới ở những bước sơ khai đầu tiên và không phải một sớm, một chiều ứng dụng được ngay vào cuộc sống.

Trong khi đó, Thạc sĩ Phan Kim Ngọc cho rằng, một khi các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công chuyển tế bào da thành TBG phôi người, thì tương lai chắc chắn cũng có nghiên cứu chuyển TBG cuống rốn thành TBG phôi người, sẽ có giá trị hơn rất nhiều.

Theo PGS.TS Phạm Thành Hổ, chúng ta không nên tự tin quá sớm, vui mừng quá sớm với thành công ở xứ người. Ở xứ mình phải vài năm nữa, hoặc lâu hơn mới thực hiện được. Hiện nay, phát triển TBG ở nước mình chỉ ở bước thô sơ, chỉ có thể làm với phạm vi hẹp thì không nên nhìn quá xa, cứ làm những bước dễ mới tới khó. Phạm vi ứng dụng của những ngân hàng TBG cuống rốn thời gian gần đây đã có, tương lai có thì mình nên chú tâm làm với tinh thần "Dù dễ nhưng là sản phẩm của mình, phù hợp với nhu cầu và túi tiền mình thì vẫn rất cần thiết thực hiện".

Từ mắt nòng nọc tới mắt người: còn xa!

Về việc “thay quyền tạo hoá tạo mắt cho sinh vật” khi thêm một mắt thứ ba cho nòng nọc, theo thạc sĩ Phan Kim Ngọc là: tiêm một loại enzyme biệt khác (differentiation enzymes) vào cơ thể động vật để tạo thêm một bộ phận trên cơ thể động vật ấy (cụ thể là thêm mắt) là thực hiện được, nhưng chỉ trên động vật có khả năng biến thái. Hiện nay, trong các phòng thí nghiệm trên thế giới, việc xử lý từ tế bào gốc thành tế bào mắt đã được thực hiện từ lâu.

Tuy nhiên, từ chuyện tiêm enzyme biệt khác vào nòng nọc, tạo thêm mắt thứ ba “thay quyền tạo hoá” để nghĩ tới việc ứng dụng trong cuộc sống con người thì còn rất xa, rất lâu và đặc biệt là cực kì khó. Có thể làm đối với con người, ở một giai đoạn nhất định khi còn là phôi thai (Đây là giai đoạn duy nhất của động vật bậc cao có quá trình biệt hoá diễn ra mạnh).

Thạc sĩ Phan Kim Ngọc nhấn mạnh: với động vật có quá trình biến thái thì dễ dàng. Ví dụ từ con nòng nọc thành ếch, con ngài thành con bướm. Động vật bậc cao, động vật có vú không có quá trình biến thái thì khó.

Theo ông: về nguyên tắc thì đây là tín hiệu vui để chúng ta có thể mong rằng với tiến bộ vượt bậc của khoa học, y học sẽ thay mới được những bộ phận trên cơ thể sống. Nhưng với động vật bậc cao thì nguyên tắc này nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn và không thực hiện được như với động vật bậc thấp. Đặc biệt, đối với người, nếu nghĩ tới việc có thể can thiệp khi đang trong phôi thai thì y học cũng không cho phép thực hiện. Hơn nữa, nếu khi phôi thai phát hiện có dị tật (qua siêu âm chẩn đoán) thì đã là giai đoạn không can thiệp gì được.

Thạc sĩ Phan Kim Ngọc là đồng tác giả chủ nhiệm đề tài khoa học cấp thành phố: Thu nhận tế bào gốc ứng dụng vào trị liệu. Nhóm nghiên cứu của ThS Phan Kim Ngọc đã thành công trong việc sử dụng tế bào gốc từ niêm mạc xoang miệng để tái tạo giác mạc phục hồi cho mắt, đề tài có kết quả thành công.

Vinh Giang

Theo Vietnamnet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video