Tàn tích của một ngôi làng bỏ hoang bất ngờ nổi lên mặt nước sau nhiều thập kỷ bị nhấn chìm ở miền bắc Iraq.
Một phần còn sót lại của ngôi làng Guiri Qasrouka nhìn từ trên cao. Ảnh: AFP
Làng Guiri Qasrouka từng là nơi sinh sống của một cộng đồng người Kurd cho đến khi dự án xây dựng đập thủy điện cách thị trấn Dohuk 2 km về phía bắc vào năm 1985 buộc 50 hộ gia đình phải di dời đến nơi ở mới. Những ngôi nhà sau đó đã bị nuốt chửng bởi vùng nước phục vụ tưới tiêu cho đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, lượng mưa ít ỏi do hạn hán nghiêm trọng ở Iraq trong những tháng vừa qua đã khiến mực nước trong đập và khu vực xung quanh giảm mạnh - có thời điểm giảm tới 7 m - đưa ngôi làng trở lại bề mặt.
"Hiện tượng này chắc chắn có liên quan đến biến đổi khí hậu", Giám đốc đập thủy điện Dohuk Farhad Taher nói với AFP.
Một du khách tham quan làng Guiri Qasrouka. Ảnh: AFP
Do nhiều năm chìm dưới nước, tàn tích của các ngôi nhà và tường đá sừng sững hiện phủ đầy tảo, rêu phong và vỏ sò, tạo nên một vẻ đẹp cổ xưa giữa những ngọn núi hùng vĩ ở miền bắc Iraq.
Tuy nhiên, theo Taher, những cơn mưa mùa đông sẽ sớm nhấn chìm Guiri Qasrouka một lần nữa và trước khi chúng đến, đây là địa điểm tham quan lý tưởng, nhất là đối với những người Kurd từng rời bỏ ngôi làng để định cư tại một khu vực gần đó.