Ấn Độ là đất nước nổi tiếng kém vệ sinh, điều này khiến thủ tướng Shri Narendra Modi quyết tâm xây dựng một chương trình quốc gia nhằm giải quyết tình trạng đáng xấu hổ này theo hình mẫu "siêu sạch" của làng Mawlynnong.
Nằm ở khu vực Đông Ấn, làng Mawlynnong được biết đến bởi việc dọn dẹp là nghi thức được toàn bộ người dân tuân thủ nghiêm ngặt, từ trẻ nhỏ cho đến các cụ già móm mém. Chỉ có hơn 600 cư dân, Mawlynnong từng được tuyên bố là ngôi làng sạch nhất châu Á năm 2003 và sạch nhất Ấn Độ năm 2005 bởi tạp chí Khám phá Ấn Độ.
Mới đây, trong một chương trình phát thanh năm 2015, thủ tướng Modi đã công nhận Mawlynnong là ngôi làng sạch nhất vùng Meghalaya và là hình mẫu cho các vùng còn lại trên đất nước. Trong tháng 5/2016, ông nhấn mạnh, đây là "ngôi làng sạch nhất châu Á" tại một buổi lễ tuyên dương những thành tựu của chính phủ.
Một người phụ nữ đang quét rác vào giỏ rác hình phễu tại làng Mawlynnong. (Ảnh: Tanveer Badal).
Để tìm hiểu làm thế nào về hình mẫu này, Kelly Phillips Badal, phóng viên BBC đã tìm đến làng Mawlynnong. Câu trả lời có vẻ rất đơn giản, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt.
Bé Deity Bakordor, 11 tuổi, bắt đầu một ngày vào 6h30 sáng. Công việc dọn dẹp của cô bé được chia sẻ với bọn trẻ khác trong làng và đây thực sự là một cảnh tượng đẹp đẽ. Cầm những cây chổi trong tay, lũ trẻ cùng nhau quét các con đường làng, gom lá rụng và rác thải trước khi đến trường.
Những đứa trẻ này cũng có trách nhiệm đi đổ rác. Những giỏ rác hình phễu đan bằng tay được đặt rải rác trong làng. Lá và các chất thải tự phân hủy được chôn xuống đất (sau đó được sử dụng làm phân bón), những thứ còn lại được đưa đi xa khỏi làng và đốt cháy. Trong làng còn có cả những người làm vườn tận tâm, nhờ họ mà những lối đi bộ bằng cây và hoa vẫn được gìn giữ, tạo ra một không gian rất thoải mái và hòa nhập với thiên nhiên.
Ngay cả thùng rác ở Mawlynnong cũng rất có tính thẩm mỹ. (Ảnh: Tanveer Badal).
Kelly hỏi Bakordor rằng cô bé có cảm thấy hạnh phúc khi sống ở một nơi sạch sẽ như vậy không. Em bẽn lẽn gật đầu và cho biết nếu có một vị khách vứt rác xuống đất thì em sẽ không nói gì mà sẽ nhặt rác lên.
Bakordor giải thích, dọn dẹp là một công việc bình thường hàng ngày của cả trẻ em và người lớn ở Mawlynnong. Vào những ngày thứ 7, khi có lệnh của trưởng làng, công việc sẽ phát sinh nhiều thêm và ai nấy đều hồ hởi hoàn thành "công tác xã hội" vì lợi ích của ngôi làng. Sự sạch sẽ ăn sâu vào nếp sống ở đây.
Kelly lén nhìn vào khu vực nấu ăn ngoài trời rất đơn sơ của gia đình để xem thành quả của những cố gắng này. Bà của Bakordor, Hosana, vén rèm cửa dẫn đến ngôi nhà hai gian của họ, các sàn nhà vừa quét bóng loáng, bát đĩa sáng lấp lánh, chăn mền được gấp gọn ghẽ.
Không ai biết rõ thói quen sinh hoạt này xuất phát từ đâu, nhưng theo hướng dẫn viên của Kelly, Shishir Adhikari, nó có khả năng xuất phát từ một đợt bùng phát dịch tả hơn 130 năm trước. Giữ vệ sinh sạch sẽ là điều được khuyến khích để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Những người truyền giáo Thiên chúa đầu tiên cũng góp phần giúp đỡ và khuyến khích công việc này tiếp tục.
Dân làng cũng là người Khasi, một xã hội truyền thống mẫu hệ. Có lẽ, tại nơi mà phụ nữ đóng vai trò thống trị xã hội, việc dọn dẹp nhà cửa và làm sạch môi trường cũng được coi trọng hơn, Kelly và Adhikari suy đoán.
"Chúng tôi là những Kito hữu từ hơn 100 năm trở lại đây, và dọn dẹp là điều chúng tôi được học từ những người lớn tuổi đi trước", bà nội trợ Sara Kharrymba nói. "Chúng tôi thuần thục tất cả kỹ năng này, từ tôi cho đến các con cháu".
Nói cách khác, đây không phải là thói quen, đây là truyền thống lâu đời. Một ngày của Kharrymba bắt đầu bằng việc làm sạch tất cả những gì xung quanh.
Sanjanai Kharrymba, 6 tuổi, chơi đùa trên chiếc xích đu tái chế ở trước cửa nhà. (Ảnh: Tanveer Badal).
Trong khi phóng viên trò chuyện, Kharrymba mỉm cười với cô con gái 6 tuổi của mình, Sanjanai, người đang lắc lư trên chiếc xích đu làm từ túi nhựa phế thải. Phải làm gì với rác thải bằng nhựa vẫn là một câu hỏi lớn, bởi vì đốt nó sẽ rất độc hại. Thường thì các vật liệu này sẽ được tái sử dụng ở ngôi làng này, thêm thắt bằng các nguyên liệu khác để tạo nên một chiếc xích đu dành cho trẻ con. "Các con tôi biết đây là điều khác biệt", Kharrymba nói.
Những đứa trẻ của cô vẫn chưa hề ra khỏi ngôi làng nhưng "đôi khi du khách đến đây nghỉ lại và họ nói chuyện", Kharrymba nói thêm. Cô kể về việc mỗi ngôi nhà trong làng đều có một nhà vệ sinh riêng, một mục tiêu chính của chương trình "Sứ mệnh làm sạch Ấn Độ", và các con cô đều tuân thủ quy trình vệ sinh tốt như thế nào.
Ngừng lại một chút, Kharrymba ngắm nhìn cái ao nhỏ nước trong veo – gia tài của mình, và nói: "Tôi rất tự hào khi sống ở đây".