Ngừng thở khi ngủ - một dấu hiệu nguy hiểm

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ. Ngáy to có thể là biểu hiện của chứng ngừng thở khi ngủ, căn bệnh hay gặp ở người béo phì. Bệnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thậm chí có thể gây tử vong trong một số trường hợp do làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.

Chứng ngừng thở khi ngủ là gì?

Chứng ngừng thở khi ngủ là tình trạng đường hô hấp bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong khi đang ngủ, gây ngừng thở và làm người bệnh thức giấc.

Theo Healthline, ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea - OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó, cơ thể ngưng thở hơn 10 giây hay giảm không khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Kèm theo OSA là triệu chứng ngủ ngáy, ngủ ngày quá mức.

Một số nghiên cứu lớn ở Mỹ còn cho thấy, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị ngưng thở khi ngủ ở mức độ nào đó. Chứng bệnh này phổ biến ở nam giới hơn nữ. Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh. Ngừng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, bệnh lý mạch máu não, thậm chí dẫn đến tử vong trong một số trường hợp do nó gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng hồng cầu trong máu, ngưng thở khi ngủ gia tăng lần lượt 2,5 và 3,4 lần nguy cơ tử vong vì ung thư.

Ngừng thở khi ngủ xuất hiện có thể do các cơ thanh quản bị mất trương lực nên vùng hầu họng bị xẹp lại trong thời kỳ hít vào; hoặc do các bất thường về cấu trúc vùng hầu họng làm hẹp đường dẫn khí. Các yếu tố nguy cơ gồm: béo phì; bất thường về cấu trúc các cơ quan vùng hầu họng như xương hàm dưới quá nhỏ, lưỡi quá to, hoặc phì đại amiđan...; uống rượu hoặc các loại thuốc ngủ trước khi đi ngủ; tắc mũi (bị cảm lạnh hoặc mũi bị lệch vách ngăn).


Một kiểm tra Polysomnography là cách tốt nhất để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ

Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ rất khó tự nhận ra tình trạng của mình. Thông thường, một chẩn đoán phải dựa vào kiểm tra Polysomnography rất phức tạp tại bệnh viện.

Dấu hiệu của bệnh ngừng thở khi ngủ

1. Bạn đang buồn ngủ cả ngày

Buồn ngủ vào ban ngày là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ngưng thở khi ngủ. Nó xuất hiện ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ, bác sĩ Chernobilsky, chuyên gia giấc ngủ và khí quản của Hệ thống Y tế Mount Sinai Beth Israel, New York nói. Khi chúng ta ngủ, các cơ bắp trở nên thư giãn. Trạng thái này tạo điều kiện cho các mô mềm ở phía sau cổ họng rũ xuống, chặn đường thở.


Ngưng thở khi ngủ gây ra bởi các mô mềm phía sau họng chặn đường thở

Trong giấc ngủ, não vẫn làm việc. Nhưng trường hợp này, nó sẽ thất bại trong việc chỉ đạo bạn thở. Não buộc phải đánh thức bạn và giấc ngủ trở nên gián đoạn. Bệnh nhân thường hay thức dậy trong đêm. Nhưng trạng thái mơ hồ khiến họ không nhận ra điều đó. Trải qua một đêm như vậy sẽ khiến họ buồn ngủ cả ngày.

2. Bạn thức dậy với một cơn nhức đầu

Chắc chắn rằng đêm hôm trước không uống một chút bia nào, nhưng bạn vẫn thức dậy với một cái đầu đau như búa bổ. Thiếu ngủ gây ra bởi chứng ngưng thở có thể là nguyên nhân của vấn đề này. Ngay cả khi bạn chắc chắn rằng mình ngủ từ 7 đến 8 tiếng, ngưng thở khi ngủ khiến thời gian thực sự của giấc ngủ ngắn hơn nhiều. Kinh hoàng, những người bị ngưng thở khi ngủ nặng có thể bị đánh thức hàng trăm lần mỗi đêm, theo Trung tâm Khoa học giấc ngủ và Y học Stanford.

3. Bạn vào nhà vệ sinh nhưng chẳng làm gì cả

"Nhiều người thức dậy vào giữa đêm và không biết lí do tại sao. Vì vậy, họ nghĩ rằng mình cần phải đi tiểu", bác sĩ Chernobilsky nói. Họ vô thức vào nhà vệ sinh mặc dù không có nhu cầu. Rất nhiều bệnh nhân muốn tìm kiếm lí do cho việc tỉnh dậy của mình như vậy. Cho đến khi biết về chứng ngưng thở khi ngủ, họ sẽ hiểu ra vấn đề.

4. Bạn cáu kỉnh nhiều hơn

Thiếu ngủ có thể là lí do cho sự cáu kỉnh của bạn, không phải một nguyên nhân bên ngoài như bạn nghĩ. Những thay đổi trong tâm trạng, gia tăng căng thẳng và lo lắng là những dấu hiệu thầm lặng của ngưng thở khi ngủ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người này gặp nhiều căng thẳng, tức giận, buồn và chán nản hơn, theo Khoa Y học Giấc ngủ thuộc Đại học Y Harvard.

5. Bạn lái xe không an toàn

"Tai nạn giao thông cũng là một trong những dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ", bác sĩ Chernobilsky nói. Một nghiên cứu trong năm 2015 của tạp chí Sleep chỉ ra rằng người gặp tình trạng ngưng thở khi ngủ có khả năng gây tai nạn giao thông gấp 2,5 lần bình thường.

Các nhà nghiên cứu cho biết trong một thông cáo báo chí, cực kỳ buồn ngủ vào ban ngày và có thời gian nhắm mắt dưới 5 tiếng là nguyên nhân khiến lái xe bị phân tâm. Trong cùng nghiên cứu, số lượng tai nạn giao thông gây ra bởi bệnh nhân ngưng thở khi ngủ giảm 70%, khi họ được điều trị tích cực.

6. Bạn thấy đói trong suốt cả ngày

Khi bạn gặp xáo trộn do ngưng thở khi ngủ, sự phát hành hormone của cơ thể cũng sẽ rối loạn. Nó sẽ làm nồng độ Ghrelin, hormone kích thích sự thèm ăn, tăng. Trong khi đó, giảm Leptin, hormone cho b cảm giác no bụng.

Điều đó có nghĩa là bạn có thể cảm thấy đói nhiều hơn trong suốt cả ngày, bác sĩ Chernobilsky nói. Thậm chí cơ thể bạn có thể kháng insulin và bắt đầu dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.

7. Gặp rắc rối trong chuyện chăn gối

"Bất lực là một dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ ở nam giới. Nhiều người cho rằng nó đến từ lượng testosterone thấp hoặc căng thẳng. Nhưng lí do nhiều khi đơn giản là bạn đang gặp tình trạng ngưng thở khi ngủ", bác sĩ Chernobilsky cho biết.

Đã có những nghiên cứu chỉ ra tình trạng "bất lực" của nam giới xảy ra gấp 2 lần ở những người ngưng thở khi ngủ, theo National Sleep Foundation. Những giấc ngủ tệ hại là thứ đơn giản bạn có thể đổ lỗi trong trường hợp này.

8. Những đứa trẻ học kém

Ngưng thở khi ngủ tấn công cả trẻ em. "Nó có thể là nguyên nhân của việc những đứa trẻ hay cáu gắt hoặc ngủ gật trong lớp. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh nhận được chẩn đoán sai rằng con họ mắc một rối loạn về thiếu tập trung", Chernobilky nói.
Năm 2015, một đánh giá tổng hợp từ 16 nghiên cứu ngưng thở khi ngủ ở trẻ em cho biết, chúng có kết quả tồi tệ hơn trong hầu hết các môn học, từ nghệ thuật, ngoại ngữ đến toán học và thí nghiệm vật lý. Hãy để ý đến giấc ngủ của con bạn.

9. Những đứa trẻ tè dầm

Con bạn đủ lớn để biết tự đi vào nhà vệ sinh, nhưng chúng bắt đầu tè dầm trở lại. Hãy xem xét tới việc chúng đang ngưng thở khi ngủ. Bác sĩ Chernobilsky nói:"Khi hơi thở của trẻ bị xáo trộn, nồng độ oxy trong máu giảm. Điều này cũng khiến bàng quang của chúng mất chức năng".

Điều trị

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng sẽ cho kết quả tốt hơn nếu áp dụng nhiều biện pháp, mà các biện pháp không dùng thuốc cần được xem xét trước. Có ít nhất 50% các bệnh nhân ngừng thở khi ngủ là béo phì, nên giảm cân là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất, cần được áp dụng đầu tiên. Nếu kết hợp giảm cân với các biện pháp điều trị khác sẽ cho hiệu quả cao hơn. Việc bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu trước khi đi ngủ và tránh dùng các thuốc ngủ... đều có tác dụng tốt. Nếu bệnh nhân là phụ nữ đã mãn kinh, việc điều trị hoóc môn thay thế sẽ làm giảm ngừng thở khi ngủ và ngáy.

Nên điều trị các bệnh lý tai mũi họng như viêm mũi, polyp mũi, lệch vách ngăn, hoặc viêm xoang... nhằm làm giảm sức cản ở đường hô hấp và hạn chế tình trạng thanh quản bị hẹp gây tắc nghẽn đường thở. Đôi khi bệnh nhân cần phải được điều trị phẫu thuật để loại bỏ các nguyên nhân này. Cần điều trị chỉnh hình các bất thường gây hẹp đường dẫn khí, chẳng hạn cắt bỏ lưỡi gà, cắt bỏ hạch amiđan nếu nó quá to, có người phải mở khí quản.

Bệnh nhân ngừng thở khi ngủ có thể dùng dụng cụ nẹp xương hàm dưới. Nó được thiết kế riêng cho từng người, lắp vừa khít với các răng hàm trên và hàm dưới. Dụng cụ này đẩy xương hàm ra phía trước, do đó làm tăng diện tích vùng hầu họng, mở rộng được đường hô hấp. Các bệnh nhân sẽ đeo dụng cụ này khi đi ngủ.

Một số bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ nặng hoặc thường xuyên có thể cần điều trị hô hấp hỗ trợ bằng các dụng cụ đặc biệt hoặc máy trợ giúp thở.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể khắc phục chứng ngưng thở khi ngủ bằng những cách sau: Giảm cân; bỏ hút thuốc, tránh rượu bia và các chất kích thích; tránh sử dụng thuốc an thần; tập thể dục thường xuyên; thay đổi tư thế ngủ.

Cập nhật: 22/06/2020 Tổng hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video