Trong khi nhiều hộ dân đưa gia cầm đi trốn chích ngừa, ngành thú y lại thiếu văcxin; thịt gà, thịt vịt không có dấu thú y vẫn bày bán tại nhiều chợ.
Nguy cơ bùng phát dịch
Tiêm phòng văcxin cúm cho gia cầm tại xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang
Tại xã Ninh Quới A thuộc huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), ngành thú y đã phát hiện đàn vịt 500 con của ông T.V.B. bị chết bệnh với kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm type A. Đến sáng 18-10 Trạm thú y huyện Hồng Dân đến tiêu hủy thì đàn vịt này chết rất nhiều, chỉ còn lại trên 100 con... Thế nhưng, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy bà con nuôi gà vịt “vô tư”.
Từ Châu Thành qua Tri Tôn (An Giang), đó đây chúng tôi vẫn gặp nhiều đàn vịt “định cư” trên mấy gò đất, trên đoạn bờ kênh heo hút chơ vơ giữa bốn bề nước lũ. Lịch tiêm ngừa ở mỗi ấp xã được thông báo rộng rãi từ nhiều hôm trước giúp người nuôi biết trước để tập trung gia cầm nhưng cũng... giúp nhiều hộ biết trước để cho vịt... cao chạy xa bay! Người nuôi sợ tiêm phòng sẽ làm giảm sản lượng trứng, giảm thu nhập nên trốn chích ngừa gia cầm.
Theo giới kinh doanh, sức mua thịt và trứng gia cầm tại các chợ ở TP.HCM đang giảm mạnh. Lượng gà bán ra tại lò giết mổ gia cầm bán công nghiệp ở chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) hiện chỉ còn 40-50 con/ngày, giảm từ mức 200-400 con/ngày. Sức mua giảm mạnh nhưng giá thịt gà vẫn đứng cao do hiếm hàng: 50.000-55.000 đồng/kg gà thả vườn. Tại chợ trứng gia cầm Phú Hữu (Q.5) sức mua cũng giảm đến 50%. Giá trứng gia cầm đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng một năm nay: trứng gà 700-900 đồng/quả, trứng vịt 900-1.000 đồng/quả, rớt 100-150 đồng/quả so với tuần trước. Tại các hệ thống siêu thị Co-op Mart, Maximark, sức tiêu thụ cũng như giá thịt, trứng gia cầm vẫn bình ổn do tâm lý người dân cho rằng mua thịt, trứng gia cầm tại siêu thị an toàn hơn ngoài chợ. KH.NGỌC |
Ông Lâm Trí Thông - phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu - cho biết đến nay đã có trên 400.000 con gia cầm ở sáu huyện thị trong tỉnh được tiêm văcxin, chiếm tỉ lệ trên 40%. Theo ông Thông là do còn thiếu trên 200.000 liều văcxin tiêm cho vịt nên ba ngày qua chỉ tiêm cho đàn gà. Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp đều chung tình trạng đang tiêm phòng cúm gia cầm thì khựng lại vì phải chờ văcxin.
Ông Võ Bé Hiền, chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, nói: “Chúng tôi cần thêm văcxin và yêu cầu các địa phương thực hiện kế hoạch đồng bộ, chặt chẽ hơn nếu không nguy cơ bùng phát dịch ở nơi gia cầm tập trung cao như vùng lũ sẽ xảy ra”.
“Lách luật” để bán thịt
Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là tình trạng vận chuyển và buôn bán gia cầm nhỏ lẻ ở các chợ vẫn diễn ra rầm rộ. Có mặt tại chợ Phú Lộc (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) vào trưa 18-10 chúng tôi ghi nhận được trên năm người bày bán hơn 60 con vịt đã được làm sẵn. Trong số này có vài con ở đùi và cổ đã bị tím tái. Cách đó khoảng 6km, ở chợ xã Châu Hưng (huyện Thạnh Trị) vịt gà làm sẵn vẫn được mua bán bình thường, không được ngành chức năng kiểm soát. Ở các chợ còn lại trong tỉnh cũng chẳng khác, ngay cả chợ trung tâm thị xã Sóc Trăng gà, vịt vẫn ào ạt đổ về bất kể ngày đêm.
Theo qui định, gia cầm sau tiêm phòng trong vòng 28 ngày không được vận chuyển, mua bán, giết thịt... Thế nhưng ghé vào các chợ ở huyện Phú Tân, Tịnh Biên (An Giang) nhiều hộ bán gà vịt đều cam đoan là số gia cầm đó chưa hề tiêm phòng nên... không hề gì, và lỡ tiêm phòng có ăn thịt... cũng chẳng sao!
Theo một lãnh đạo ngành thú y ở ĐBSCL, hiện nay số lượng gia cầm bày bán mỗi người vài chục con ở các chợ, nhất là ở vùng nông thôn rất khó kiểm soát được nguồn gốc vì có qui định khi vận chuyển ra khỏi huyện dưới 100 con gà, vịt, ngan, ngỗng nuôi thương phẩm và dưới 50 con gà, vịt, ngan, ngỗng để giết mổ thì không phải kiểm dịch vận chuyển. Nhiều người đã “lách luật” bằng cách chia nhỏ đàn gà, đàn vịt để vận chuyển nhiều lần nên không thể kiểm tra được gia cầm nhiễm bệnh hay không trước khi đưa vào chợ hoặc lò giết mổ.
TRẦN ĐỨC - ĐỨC VỊNH - NGỌC DIÊN
Sẽ nhập tiếp 260 triệu liều văcxin phòng dịch cúm gia cầm Sáng qua, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã phát động “Chiến dịch vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm” trên phạm vi toàn quốc, kéo dài trong hai tháng từ nay đến hết 15-12-2005. Về tiến độ tiêm văcxin phòng dịch, ông Đậu Ngọc Hào, phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết đến nay đã có 37 tỉnh, thành phố triển khai việc tiêm văcxin phòng dịch cho trên 56 triệu lượt gia cầm, thủy cầm, chim cút, bồ câu. So với tổng số đàn gia cầm khoảng 150 triệu con phải tiêm phòng, số gia cầm được tiêm phòng vẫn còn chậm và ít. Lý giải điều này, ông Hào cho rằng do phải nhập thuốc từ Trung Quốc nên “không thể chủ động” được nguồn văcxin. Ông Hào cũng cho biết đã nhập 120 triệu liều văcxin, hiện cơ quan này vẫn còn lưu kho khoảng 27 triệu liều văcxin. Cục Thú y cũng đang tiếp tục thương thuyết với đối tác để nhập thêm 260 triệu liều văcxin từ Trung Quốc (dự kiến ngày 20-10 thuốc sẽ về tới VN). Đ.BÌNH |