Đây là Venusmania tại Viên, nơi những người Áo ăn mừng khám phá có từ 100 năm trước - một bức tượng nhỏ mang hình dáng khêu gợi có niên đại 25.000 năm trước, thời điểm mà voi mamút ngự trị các vùng đất.
Rượu thần vệ nữ, sôcôla thần vệ nữ, và bánh ngọt với mứt thần vệ nữ - nước Áo đang sống trong ngày kỷ niệm bức tượng đá vôi được biết đến với cái tên Thần vệ nữ của Willendorf, một xóm nhỏ dọc bờ sông Da-nuyp nơi bức tượng được các nhà khảo cổ học phát hiện một thế kỷ trước đó.
Thần vệ nữ của Willendorf chỉ cao 4 inch nhưng rât nổi tiếng vì thân hình phụ nữ hấp dẫn. Các chuyên gia cho biết bức tượng có niên đại từ thời đồ đá, và là một trong những cổ vật lâu đời nhất về người phụ nữ.
Nhưng bức tượng này diễn tả điều gì – hay ai là người đã tạc nên nó hàng nghìn năm trước vẫn còn là một bí ẩn. Liệu bức tượng này có phải là biểu tượng về sự sinh sản, bùa may mắn, một nữ thần – hay thậm chí là một tạo tác khêu gợi thời tiền sử?
Walpurga Antl-Weiser, chuyên gia của Bảo tàng lịch sử tự nhiên tại Viên, người đã viết cuốn sách về bức tượng này cho biết rằng rất khó để biết con người vào thời đại đó nghĩ gì.
Bức tượng không được làm từ vật liệu địa phương, và qua nhiều năm những bức tượng tương tự đã được phát hiện ở nhiều nơi khác, bao gồm Pháp và Nga, Antl-Weiser phát biểu trên The Associated Press.
Đây là hình ảnh Thần vệ nữ của Willendorf không đề ngày tháng do viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Viên cung cấp. Thần vệ nữ của Willendorf, bức tượng từ thời kỳ đồ đá cũ với dáng một người phụ nữ béo, được phát hiện từ 100 năm trước. (Ảnh: AP/ Bảo tàng lịch sử tự nhiên) |
Theo Bảo tàng lịch sử tự nhiên, vào thời đại đó, voi mamút, bò rừng bizon và tê giác ngự trị Willendorf, còn con người sống thành những nhóm người trong lán trại.
Các nhà khảo cổ học hiện đại đã phát hiện bức tượng này trong cuộc khai quật năm 1908 và đưa nó về Bảo tàng lịch sử tự nhiên để bảo quản. Bức tượng xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên năm 1998.
Trước lễ hội kỷ niệm vào thứ sáu, bức tượng thực hiện một cuộc hồi hương ngắn về Willendorf. Bắt đầu từ thứ bảy, Thần vệ nữ của Willendorf – cùng với một số “chị em” từ Áo, Slovakia và cộng hòa Séc – sẽ được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên.
Trên thực tế, bức tượng này vẫn tiếp tục thu hút công chúng.
Các sản phẩm liên quan đến thần vệ nữ được lưu hành rộng rãi – ví dụ như sôcôla, bánh hạnh nhân, hay thậm chí cả xà phòng. Vào thứ sáu, bưu điện Áo chính thức công bố một loại tem đặc biệt thể hiện lòng tôn kính với bức tượng.
Đối với Antl-Weiser, sự thích thú của công chúng là điều có thể lý giải được.
Bà cho biết: “Mặc dù có hình dáng khá phì nộn, nhưng bức tượng vẫn rất đẹp. Người ta có cảm giác như bức tượng đã trở thành một biểu trưng”.