Người bay như chim

Chưa ai có thể bay giống như anh chàng Thụy Sĩ, Yves Rossy, 47 tuổi: cất mình lên không trung, bay ngang, bay dọc tùy ý. Để đạt được kết quả như thế vào ngày 31/12/2006, viên phi công đã làm hàng chục thí nghiệm, đôi khi rất nguy hiểm và tiêu tốn khối tiền. Nhưng đối với anh, chỉ cần 6 phút tồn tại giữa trời là coi như mãn nguyện.

Giấc mơ người chim

Yves Rossy sống tại Crans-Près-Céligny, một ngôi làng Thụy Sĩ bé nhỏ nằm ở giữa Genève và Lausanne. Anh không có năng lực siêu phàm và tham vọng cứu vớt cả hành tinh như siêu nhân, nhưng anh thực sự… bay được. Thay cho chiếc áo choàng thần bí của siêu nhân là một chiếc cánh cứng, tự mình chế tạo với 4 động cơ phản lực và 3 cây dù. Đây là một thành quả thật xứng đáng.

Yves Rossy không chỉ mới biết bay. Đã từng là phi công lái phản lực Mirage III thuộc đội tuần tra của quân đội Thụy Sĩ, chàng lực sĩ 47 tuổi hiện là chỉ huy trưởng một chiếc Airbus của Hãng Hàng không SwissAir. Anh than thở: “Đó là những cỗ máy mà mình phải bị giam trong đó, cách biệt với thế giới bên ngoài. Muốn lăn bánh, cất cánh và hạ cánh đều phải chờ lệnh cấp trên. Chẳng bao giờ có được tự do”.

Điều mà anh thích thú chính là cảm giác mạnh. Muốn được như thế, anh chơi máy bay trượt (không động cơ), điều hiếm hoi đối với một viên phi công, và cả nhảy dù.


(Ảnh: Membrana)

Yves miệt mài với chúng từ năm 30 tuổi. Cho đến nay anh đã nhảy được 1.200 show tự do. Yves tiết lộ: “Một cảm giác không thể tin được. Tê tái đến tận xương tủy. Bạn được tự do hoàn toàn. Nhưng lại quá ngắn. Chỉ được 1 phút thưởng thức cảm giác kỳ diệu này”.

Rất nhanh sau đó anh cứ bị ám ảnh phải làm sao để kéo dài thời gian bay. Những người hùng của anh không còn là Saint-Exupéry hay Mermoz nữa, mà là Icare, Clem Shon và Léo Valentine, “Người chim”… Giống như họ, anh tự chế tạo cánh cho mình, để có thể biến tốc độ rơi thẳng xuống đất thành những đường nằm ngang, dợn sóng.

Có lúc Yves Rossy hợp tác với Patrick De Gayardon, người đã từng đoạt giải vô địch trượt tuyết thế giới và suýt bỏ mạng dưới chân núi, khi …bay với một tấm ván lướt. Gayardon tự chế tạo “bộ đồ bay”. Sau đó, nó làm anh ta mất mạng tại Hawaii vào năm 1998.

Kiên trì thực hiện niềm đam mê và... bay

Rút kinh nghiệm, Yves Rossy lại mơ đến đôi cánh cứng hơn. Anh một mình đi theo con đường này. Anh phải dành dụm thời gian tất bật của một phi công trưởng để theo đuổi đam mê của mình. Vốn là chuyên gia cơ khí, có đôi bàn tay khéo léo, anh học cách sử dụng sợi thủy tinh Kevlar, tự chế tạo một đôi cánh cứng với 2 đầu có thể gấp khúc nhờ những chai khí nén kèm theo.

Cách thức này giúp cho anh nhảy ra khỏi máy bay gọn gàng và sau đó có thể vươn ra đến 2,5 m sải cánh. Thành công! Điều này cho phép anh đạt “tốc độ 4”, có nghĩa là với độ cao 1.000m rơi xuống, anh có thể trượt đi xa 4 km.

Năm 2002, khi được thả xuống từ độ cao 5.000m, Yves Rossy đã lướt đi được 12 km trên mặt hồ Léman. Không tồi, nhưng vẫn còn chưa thỏa mãn.

Mục tiêu của anh là bay lâu hơn nữa, theo chiều ngang và còn phải cất cao lên được. Bởi thế Yves đã phát sinh ý tưởng điên cuồng là gắn thêm động cơ phản lực. Jet Cat, một công ty Đức chuyên chế tạo động cơ phản lực kích thước nhỏ, chấp nhận lao vào cuộc phiêu lưu với anh.


(Ảnh: Membrana)

Họ phải nghiên cứu các vấn đề: khai hỏa động cơ phản lực ở độ cao, giữ thăng bằng cho đôi cánh bám sát vào cơ thể bằng 3 sợi dây nịt, có thể tháo ráp nhanh chóng. Nhiên liệu sử dụng là kérosène. Tổng cộng cỗ máy nặng 50kg. Quá nặng so với đôi cánh bằng vải, có khuynh hướng bị xếp lại khi đang bay. Yves Rossy hơi kinh hoảng nhưng không bỏ cuộc.

Để chịu được chấn động, cánh phải hoàn toàn cứng và có thể xếp được. Với một người bạn, chủ một cơ sở sản xuất composite, anh chế tạo một chiếc cánh mới.

Những thử nghiệm đầu tiên thật thê thảm. Cánh không vươn ra cùng lúc, một động cơ phản lực không nổ máy. Anh vẫn kiên trì. Mọi thời gian rảnh rỗi đều dành cho nó. 200.000 euro dành dụm từ lâu, bay vèo theo chi phí. Quên cả người thân.

Cô vợ Nadia, nhỏ hơn 11 tuổi chỉ muốn thôi… run sợ và đẻ con cho anh. Viễn cảnh cũng làm cho anh run sợ, bởi nó nguy hiểm hơn bay tự do. Anh hy sinh cả cuộc sống gia đình cho niềm đam mê cháy bỏng này.

Vượt qua mọi trở ngại, cuối cùng chiếc cánh cũng có thể tin tưởng được. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một con người có thể bay như chim thật sự. Anh hồ hởi quả quyết: “Tôi thực sự bay. Giống như rơi tự do, tôi tự điều khiển hướng đi bằng chính cơ thể của mình. Muốn bay lên chỉ cần ngẩng đầu. Muốn quẹo, chỉ cần nhìn sang hướng mình muốn, cộng thêm một chút lay động của chân và tay. Đó là tự do hoàn toàn”.

Dù có sơ suất nhỏ cũng không sao. Có lần, do không kiểm soát được dao động, anh suýt không thể bung cánh hay mở dù kịp thời như ý muốn. Hoặc sự lo lắng của các quan chức hàng không. Họ kết tội anh vi phạm không phận Thụy Sĩ. Tất cả đều thuộc về quá khứ.

Yves Rossy đã thực hiện được giấc mơ của mình. Nhưng anh không dừng lại ở đó. Bay là đà trên các đỉnh núi, hay lao tận vào trong mây, với anh vẫn còn chưa đủ.

Với những động cơ phản lực mạnh hơn và một chiếc cánh hoàn hảo hơn, anh sẽ biết cách lao thẳng lên cao, nhào lộn. Và tại sao không cất cánh trực tiếp từ một đỉnh vách núi? Muốn như thế anh phải hy sinh mọi thời giờ và có thể bán luôn cả căn nhà, lẫn… cô vợ yêu quý.

Với niềm đam mê không lay chuyển, mà những nhà tiền phong đi trước anh đã từng có được, Yves Rossy luôn lấy đó làm kim chỉ nam. Anh nói: “Nếu họ nhìn thấy tôi bay lên, thì trên thiên đình, họ phải vỗ tay khen vội”.

Theo SGGP, Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video