Ngày 15/6/2015, Asmelash Zeferu ngồi ở cuối đường bay trong một lần thử nghiệm và một lần nữa nếm mùi thất bại.
Giấc mơ chế tạo máy bay của anh phi công nghiệp dư
Giấc mơ bay của chàng phi công nghiệp dư tưởng chừng tiêu tan như những cánh quạt.
Nhiều người đến sân bay cách thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, 40km về phía bắc để xem anh cất cánh. Zeferu chuẩn bị mọi thứ để chứng minh họ nghi ngờ sai nhưng thất bại vì cánh quạt làm thủ công từ gỗ ép vỡ vụn do lực ma sát lớn và lỗi ở hệ thống thoát khói.
Zeferu, 35 tuổi, nói rằng từ hồi đi học anh đã muốn trở thành phi công. Zeferu theo đuổi giấc mơ đó, nhưng tiếc rằng khi thời cơ đến thì anh bị từ chối. Rời Đại học Alemaya với tấm bằng Cử nhân Y tế Công cộng, anh đăng ký học tại chi nhánh Dire Dawa của Học viện Hàng không Ethiopian Airlines nhưng không đỗ vì thiếu chiều cao.
Asmelash Zeferu quyết tâm chế tạo máy bay và trở thành phi công trong tương lai. (Ảnh: Ethiopian Airport Enterprise).
"Tôi quyết định tự chế tạo máy bay vì không thể trở thành phi công. Nhờ đó, tôi có thể bay lượn trên bầu trời", Zeferu nói.
Giai đoạn đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa tình yêu này kéo dài 10 năm với các bài học về hàng không và quy trình sản xuất máy bay qua YouTube. Zeferu lựa chọn một mẫu từng được phi công huấn luyện của Mỹ sử dụng những năm 1920 và 1930.
Để chế tạo, Zeferu sử dụng một số vật liệu cũ hoặc mua lại từ chợ Merkato ở Addis Ababa. Bộ phận cánh dài 8,5m được làm từ gỗ nhập khẩu Australia, bảng điều khiển khắc bằng tay.
Thiết kế này yêu cầu động cơ Ford, nhưng Zeferu không thể mua nó với giá rẻ ở Ethiopia mà thay vào đó sử dụng loại 4 xi-lanh, 40 mã lực từ một chiếc Volkswagen Beetle với chi phí khoảng 380 USD. Tổng chi phí tăng lên 7.600 USD, nhưng anh đã hoàn thành sau một năm 7 tháng.
Trước Zeferu, nhiều nhà sáng chế nghiệp dư ở châu Phi đã đi tiên phong trong lĩnh vực này. Gabriel Nderitu, một kỹ sư công nghệ thông tin người Kenya, từng nghiên cứu cách lắp ráp máy bay trên mạng và thử cất cánh 13 lần nhưng chưa thành công. Sinh viên người Nigeria Mubarak Muhammed Abdullahi chế tạo trực thăng năm 2007 với một số bộ phận cũ từ chiếc Boeing 747. Cậu may mắn hơn khi chiếc trực thăng lên cao 2,1m so với mặt đất và giành một suất học bổng về bảo dưỡng máy bay tại Anh.
Không bỏ cuộc
Tạm gác lại nỗi thất vọng hồi tháng 6, Zeferu biết anh đã sẵn sàng cho lần bay sắp tới với một số cải tiến mới, sau khi nghe lời khuyên của Rene Bubberman, Chủ tịch Hiệp hội Máy bay Thử nghiệm Hà Lan (NVAV).
"Chúng tôi đưa ra một số lời khuyên cho bộ phận cánh quạt và đặc biệt là hoạt động bay thử nghiệm. Dự án của anh ấy xứng đáng được mọi người tôn trọng, nó mang hơi thở tinh thần của những người tiên phong chế tạo máy bay và sự nhiệt thành của Zeferu sẽ truyền cảm hứng cho mọi người", Bubberman nói.
Zeferu giới thiệu chiếc máy bay trong lần thử nghiệm hồi tháng 6. (Ảnh: Ethiopian Airport Enterprise).
Ngày 28/10, Zeferu sẽ trở lại sân bay và thử nghiệm với động cơ Beetle một lần nữa. Cất cánh ở vận tốc 144km/h, anh dự định đưa máy bay lên độ cao 10 m và không cần dù hay biện pháp bảo vệ.
Zeferu cho biết hạ cánh là vấn đề nguy hiểm nhất, khi điều chỉnh phi cơ lao xuống với tộc độ chậm dần từ 112km/h xuống 72km/h và kiểm soát khoảng cách giữa trục trước với trục sau. Để tập luyện, Zeferu đã tự nghiên cứu theo các mô hình hướng dẫn bay trên YouTube.
Nếu hạ cánh thành công, Zeferu sẽ vượt qua trở ngại dai dẳng nhất trên con đường chinh phục của bản thân. Dù được gia đình ủng hộ, anh cho biết thách thức lớn đối với anh là mọi người xung quanh, những người gọi anh là "điên".
"Ngày 28/10 tới, tôi chắc chắn mình sẽ bay", Zeferu quả quyết. Tuy nhiên, chạm đến giấc mơ bằng phi cơ tự chế chỉ là bước đầu tiên của Zeferu. Anh hy vọng sẽ được nhận vào học ở một trường đào tạo bay trong tương lai và trở thành phi công.
"Ước mơ của tôi là trở thành kỹ sư hàng không vũ trụ của NASA. Và tôi sẽ làm được", Zeferu nói.