Luôn khẳng định không ăn quá nhiều, nhưng cân nặng của ông đã chạm mốc 317kg ở độ tuổi 30, vòng eo đồ sộ lên tới gần 3 mét.
Năm 1806, một quảng cáo kỳ lạ xuất hiện trên tờ báo ở thành phố London (Anh). Nó mô tả về một người đàn ông "gây tò mò nhất trên thế giới" và khơi gợi tính hiếu kỳ của nhiều người dù chẳng ai biết thực hư ra sao.
Người ta đang nhắc đến cái tên Daniel Lambert, người nặng 317kg. Và nếu muốn đến tận nơi để nhìn thấy Daniel thì phải trả tiền mới được gặp.
Cơ thể đồ sộ của Daniel Lambert được thể hiện qua tranh vẽ.
Đúng, chính xác là như vậy! Daniel Lambert, được mệnh danh là "người đàn ông béo nhất nước Anh" vào thời bấy giờ, đã tự biến trọng lượng khổng lồ của mình thành một cỗ máy kiếm tiền. Ban đầu, người ta đến vì muốn tận mắt thấy vóc dáng của ông, nhưng sau đó họ bị lôi cuốn vì sự thông minh và năng khiếu trò chuyện.
Vào thời kỳ mà bệnh béo phì được coi là sự tò mò, Daniel Lambert đã trở thành một huyền thoại...
Daniel Lambert tăng cân như thế nào?
Sinh ngày 13 tháng 3 năm 1770, tại hạt Leicester (Anh Quốc), Daniel Lambert vốn là một cậu bé mạnh mẽ, khỏe mạnh, thích đi bắt rái cá, đua ngựa, săn bắn, câu cá và nuôi chó.
Daniel Lambert đã trở thành một huyền thoại vì chính cơ thể to béo của mình.
Trước khi được biết đến với kích thước cơ thể khổng lồ, Daniel Lambert tỏ ra là một đứa trẻ dũng cảm, có sức mạnh đáng nể. Khi còn là thiếu niên, Daniel đang xem buổi biểu diễn gấu thì một trong những con chó của ông đột nhiên lao vào khiến con thú nổi giận và tấn công, Daniel đã chiến đấu với nó bằng một cây sào.
Vốn là một người ưa vận động, khỏe mạnh, cường tráng nhưng cuối cùng Daniel Lambert lại chọn một công việc ít hoạt động tay chân.
Khi cha ông, một quản ngục địa phương, nghỉ hưu vào đầu những năm 1790, Daniel Lambert tiếp quản vị trí ấy. Và rồi, khoảng thời gian "ngồi chơi xơi nước" trước cửa nhà giam khiến ông bắt đầu tăng cân không phanh.
Đến năm 1793, Daniel Lambert nặng tới 203kg. Theo bài viết trên tờ The National, thời điểm đó, ông vẫn khỏe. Daniel có thể nâng khối gỗ nặng tới 254kg, thậm chí vừa cõng 2 người đàn ông trên lưng vừa bơi. Nhưng việc làm quản ngục rảnh rỗi khiến ông bắt đầu nhận hậu quả, cân nặng càng ngày càng tăng.
Đến đầu những năm 1800, cân nặng Daniel Lambert tăng lên hơn 250 kg. Lúc này, ông gặp phải một vấn đề. Trại giam nơi ông làm việc đóng cửa. Khi túi tiền dần cạn kiệt và cơ hội việc làm ngày càng ít ỏi, Daniel Lambert quyết định biến ngoại hình quá khổ thành... cần câu cơm.
Kiếm tiền từ chính cơ thể của mình
Thay vì bất mãn với số phận, Daniel Lambert đã biến trọng lượng khổng lồ của mình thành nguồn thu nhập.
Vào mùa xuân năm 1806, Daniel Lambert quyết định di chuyển đến London. Điều này nói thì dễ hơn làm. Bởi lúc đó, ông đã nặng tới 317kg và là người đàn ông nặng nhất trong lịch sử, tính đến thời điểm đó.Theo English Eccentrics and Eccentricities, một cỗ xe ngựa đặc biệt, đủ lớn dã được thiết kế để nhét vừa cơ thể đồ sộ ấy của Daniel.
Khi đó, Daniel Lambert bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Ông chạy một quảng cáo trên tờ The Times có nội dung: "TRIỂN LÃM - DANIEL LAMBERT, đến từ Leicester. Người đàn ông gây tò mò nhất thế giới, ở tuổi 36, nặng hơn 300kg. Ngài Lambert sẽ gặp mọi người tại số nhà 53, đường Piccadilly, đối diện Nhà thờ St. James, từ 12h đến 17h".
Hàng trăm người đã đổ xô đến xem Daniel. Người dân London bị "mê hoặc" bởi Daniel Lambert, người tuyên bố rằng không bao giờ uống rượu và chỉ ăn một lượng khiêm tốn.
Daniel có tài ăn nói và khiếu hài hước.
Họ cũng nhận thấy người đàn ông này có khiếu trò chuyện, có thể nói rất dài về các chủ đề như các giống chó và săn bắn.
Một phóng viên của tờ The Times ghi lại như thế này sau khi đến gặp Daniel Lambert: "Rất đông những vị khách sành điệu đến nhà Lambert trong hai ngày qua, để tìm một người đàn ông với kích thước không bình thường, sở hữu lượng thông tin tuyệt vời, với cách cư xử niềm nở và dễ chịu nhất. Những cuộc trò chuyện thoải mái của ông ấy vượt xa mong đợi của chúng tôi".
Phóng viên này cũng lưu ý rằng khách nữ đông hơn nam giới và các chị em còn khen ngợi "vẻ ngoài nam tính và thông minh" của Daniel Lambert.
Chẳng bao lâu sau, câu chuyện về cơ thể quá khổ của Daniel đã trở thành chủ đề bàn tán khắp vùng. Toàn bộ người dân thành phố London đổ dồn sự chú ý khi ông được "Bá tước" Józef Boruwłaski, người lùn Ba Lan nổi tiếng, đến thăm. Và Daniel thậm chí còn được yết kiến Vua George III.
Vào thời điểm Daniel trở lại Leicester vài tháng sau đó, ông đã trở thành một người giàu có và được xem như một anh hùng địa phương.
Ngày 19 tháng 9 năm 1806, tờ Leicester Journal đã ghi nhận sự hiện diện của Daniel Lambert một cách hoành tráng với dòng miêu tả: "Trong số những nhân vật nổi bật trên sân cỏ, chúng tôi rất vui khi gặp lại người bạn cũ, ông Daniel Lambert. Ông ấy rõ ràng là có sức khỏe và tinh thần tốt".
Cuối năm đó, Daniel một mình đi lưu diễn. Tên tuổi của ông thu hút khán giả ở cả London và các thị trấn, thành phố lân cận. Henry Wilson, tác giả một cuốn sách về những người đặc biệt trong lịch sử, viết rằng "hàng nghìn người trầm trồ trước vóc dáng đáng kinh ngạc của ông".
Tiếng tăm để lại
Tháng 6/1809, Daniel Lambert đến Stamford để lưu diễn. Nhưng đây là chuyến đi cuối cùng của ông.
Sau khi nhận phòng tại nhà nghỉ Waggon and Horses vào ngày 20/6/1809, trong lúc cạo râu, ông bắt đầu thấy khó thở. Và chỉ trong vài phút, Daniel qua đời, ở tuổi 39.
Lúc này, việc lo hậu sự cho ông đã trở thành một vấn đề lớn. Người dân địa phương phải rất vất vả mới có thể đưa ông ra khỏi nhà trọ và chôn cất.
Theo chính quyền thành phố, họ phải đập vỡ cửa sổ và một phần bức tường phòng trọ, đặt ông vào chiếc quan tài có kích thước bằng cả chỗ đỗ xe ô tô. Phải cần đến 20 người đàn ông để đưa quan tài của Daniel tới nghĩa trang.
Bia mộ và tượng của Daniel Lambert.
Sau đó, Daniel đã trở thành một huyền thoại. Các quán rượu được đặt theo tên ông. Một bức tượng sáp khổng lồ được tạo tác theo hình ảnh của ông. "Daniel Lambert" trở thành một cụm từ được dùng để chỉ kích thước to lớn.
Daniel không phải người đàn ông béo nhất thế giới bởi người giữ danh hiệu này là Jon Brower Minnoch, đến từ Mỹ, với cân nặng 635kg. Dù vậy, ông đã để lại một di sản ấn tượng.
Quần áo Daniel từng mặc.