Người mắc bệnh ở mật nên ăn uống thế nào?

Để tránh ứ đọng mật và nhiễm khuẩn đường mật, cần hạn chế các thức ăn gây táo bón. Nếu bị viêm túi mật cấp tính, nên ăn bột ngũ cốc, khoai nghiền, uống nước quả, nước rau...

Các bệnh ở mật gồm nhiều bệnh như viêm túi mật cấp tính, viêm túi mật mạn tính, sỏi đường mật và sỏi túi mật... Thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Chế độ ăn khi bị viêm túi mật cấp tính

Người mắc bệnh ở mật cần hạn chế các thức ăn có nhiều mỡ động vật (Ảnh: TTO)
Khi bị viêm túi mật cấp tính, cần phải để cho túi mật nghỉ ngơi, muốn vậy phải loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn và cả chất protid nữa vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp. Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, sau đó cho thêm bột như bột ngũ cốc, khoai nghiền và cần phải ăn nhạt, nhiều xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ.

Chế độ ăn khi bị viêm túi mật mạn tính

Trong trường hợp viêm túi mật hoặc đường mật mạn tính, bệnh nhân thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần áp dụng một chế độ ăn nương nhẹ chức phận mật. Có nghĩa là tương tự chế độ ăn nương nhẹ chức năng gan, cụ thể:

Cần hạn chế các chất béo: Các chất béo không chỉ ảnh hưởng đến gan, mật mà còn cả dạ dày. Mỡ làm cho môn vị mở chậm và gây ra đầy chướng vì nó tích tụ trong dạ dày. Mỡ cản trở sự bài tiết axit HCl cần cho sự tiêu hóa protid, mỡ làm cho mật xuống ruột không đều, tăng chất độc vào máu, ảnh hưởng tới gan.

Với các thức ăn giàu protid: Hằng ngày chỉ ăn một lần thịt, dùng loại thịt trắng và nạc không có mỡ. Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ.

Với các thức ăn có nhiều glucid: Nên dùng nhiều đường vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật, không dùng sôcôla hoặc ca cao, không dùng các thức ăn có trộn thêm trứng và bột (ví dụ các loại bánh ngọt) vì gây khó tiêu. Rau quả có thể dùng nhiều hơn so với các bệnh ở gan.

Chế độ ăn khi bị sỏi mật

Theo vị trí, sỏi mật được chia làm 2 nhóm chính: sỏi túi mật và sỏi đường mật. Ở các nước nhiệt đới, các nước nghèo, sỏi đường mật chiếm đa số vì nó liên quan đến nhiễm khuẩn đường mật, trong đó phải kể đến một nguyên nhân quan trọng là do giun và trứng giun gây ra.

Tính chất của sỏi cũng chia làm 2 loại: sỏi sắc tố mật (chủ yếu là bilirubinat calci) và sỏi cholesterol. Sỏi cholesterol thường gắn với tình trạng béo phì, với chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol máu cao.

Để tránh ứ đọng mật và nhiễm khuẩn đường mật, cần hạn chế các thức ăn gây táo bón (các thức ăn, đồ uống có nhiều tanin) vì táo bón tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại ở đường ruột phát triển mạnh và dẫn đến viêm tá tràng, viêm túi mật và ống mật, làm cho mật dễ lắng đọng thành sỏi mật.

Để tránh bị sỏi cholesterol, cần hạn chế các thức ăn có nhiều mỡ động vật và chứa nhiều cholesterol. Những thức ăn có nhiều cholesterol là các phủ tạng động vật như óc, tim, gan, lòng, bầu dục, lòng đỏ trứng gà...

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, TTO
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video