Người thứ 2 từng được chữa khỏi HIV đã tiết lộ danh tính của mình và cho biết ông muốn trở thành một "đại sứ mang hy vọng" đến cho những người nhiễm HIV khác.
Adam Castillejo, bệnh nhân được gọi là "London", được chữa khỏi HIV vào năm 2019, 18 tháng sau khi ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus và cấy ghép tủy xương để điều trị ung thư máu.
Castillejo, 40 tuổi, đã công khai danh tính của mình hôm 9/3 trong cuộc phỏng vấn với New York Times và tiết lộ rằng ông đã sống với HIV từ năm 2003.
Năm 2012, ông được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương và sau đó được ghép tế bào gốc. Điều quan trọng là đội ngũ y tế đã chọn một người hiến tế bào gốc có hai bản sao đột biến, nghĩa là các tế bào bạch cầu của người này có thể kháng HIV, theo Guardian.
Adam Castillejo muốn trở thành đại sứ mang hy vọng cho các bệnh nhân HIV. (Ảnh: New York Times).
Timothy Brown, bệnh nhân nhiễm HIV ở Berlin và là người đầu tiên được chữa khỏi, cũng trải qua quá trình điều trị tương tự. Tuy nhiên, trong khi ông Brown và ông Castillejo đều được hóa trị liệu, chỉ có ông Brown được xạ trị để điều trị bệnh ung thư.
Năm 2019, phác đồ này không chỉ điều trị thành công ung thư mà còn giúp Castillejo khỏi HIV. Nhưng tại thời điểm đó, ông chọn giấu đi danh tính của mình.
"Tôi đã xem TV và nghĩ là: ‘OK, họ đang nói về mình'", ông đã nói với tờ New York Times. "Thật là kỳ lạ, rất kỳ lạ".
Giờ đây ông Castillejo đã quyết định tiết lộ danh tính của mình vì ông muốn những người bệnh khác cảm thấy lạc quan hơn. "Đây là một vị thế độc nhất vô nhị... Tôi muốn trở thành một đại sứ mang lại hy vọng".
Hầu hết người nhiễm HIV không phù hợp với phương pháp ghép tế bào gốc vì chúng liên quan đến một phương pháp nguy hiểm mang lại nhiều rủi ro.
Giáo sư Ravindra Gupta, tác giả đầu tiên của nghiên cứu mới này từ Đại học Cambridge, cho biết trường hợp của ông Castillejo là rất quan trọng: "Đây là trường hợp thứ hai được chữa khỏi bằng phương pháp này. Nó có nghĩa là người đầu tiên không phải một trường hợp dị thường hay ăn may".