Phân tích của các nhà khoa học chỉ ra người tí hon cổ đại ở Flores, Indonesia, bị thu nhỏ kích thước do "hiệu ứng đảo".
Người cổ đại ở Flores bị thu nhỏ dần do hiệu ứng đảo
RT hôm qua đưa tin, trong phân tích tổng quát đầu tiên về người Homo floresiensis, có biệt danh là "người tí hon", các nhà nghiên cứu xác định quần thể người này tiến hóa từ người Homo erectus cao lớn hơn đến từ châu Á. Tuy nhiên, kích thước cơ thể Homo floresiensis thu nhỏ dần do "hiệu ứng đảo", xảy ra khi một quần thể tiến hóa trong môi trường hạn hẹp.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Yousuke Kaifu, phó giáo sư tại Bảo tàng Tự nhiên và Khoa học ở Tokyo, Nhật Bản, so sánh răng của người tí hon với răng của 490 người Homo sapiens và những giống người cổ đại đã tuyệt chủng khác.
Hình phục dựng người tí hon cổ đại trên đảo Flores, Indonesia. (Ảnh: encun).
Phân tích chỉ ra răng người tí hon có đặc điểm nửa nguyên thủy và nửa hiện đại. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện con người ngày nay có thể mang một lượng nhỏ gene người tí hon.
"Những người hiện đại đầu tiên có thể đã giao phối với người Homo erectus châu Á ở phạm vi nhỏ. Có khả năng họ gặp những người cận đại tràn từ châu Phi sang Australia cách đây 50.000 năm", Yousuke cho biết.
Tuy nhiên, những chiếc răng không tương đồng với răng của loài người, phủ nhận giả thuyết trước đây cho rằng người tí hon là người hiện đại biến dạng. Chúng cũng không phù hợp với răng người cận đại.
Thay vào đó, răng và hộp sọ người tí hon có nhiều điểm tương tự với Homo erectus, tổ tiên sớm nhất của người hiện đại, đến từ đảo Java, Indonesia.
Homo erectus, còn gọi là Người Java, cao bằng người hiện đại. Điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng người tí hon đã trải qua hội chứng lùn hóa mạnh, với cơ thể thu nhỏ từ 1,65m xuống 1,1m. Bộ não của họ cũng giảm trọng lượng từ 820g xuống 390g.
Người tí hon tuyệt chủng cách đây khoảng 13.000 năm. Bộ xương của họ được tìm thấy trên đảo Flores, Indonesia vào năm 2003.