Vật thể màu xanh lá cây, tỏa sáng, mang hình dạng giống đầu một con quỷ có sừng, có thể sắp nổ tung trên bầu trời Trái đất.
Theo Live Science, một số chuyên gia dự đoán rằng một "sao chổi núi lửa băng" có thể nổ tung trên bầu trời vào ngày 8-4. Nó là 12P/Pons-Brooks, có kích thước bằng một thành phố, đang ngày càng gần Trái đất trên đường bay.
Sao chổi quỷ trong một lần bắt đầu "mọc sừng" trên đường bay ngày càng gần Trái đất - (Ảnh: Eliot Herman).
12P/Pons-Brooks được chú ý từ lâu. Nó không chỉ mang ánh sáng màu xanh lá cây ma quái, mà còn thường xuyên được chụp lại dưới hình dạng... đầu một con quỷ.
Chiếc đầu quỷ rực sáng này được tạo nên bởi quầng coma của sao chổi, do nó thăng hoa khi tiến gần về phía Mặt trời.
Một hình ảnh đen trắng giúp thấy rõ sao chổi đã mọc xong hai chiếc sừng kỳ dị - (Ảnh: Eliot Herman).
Khác biệt với các sao chổi loại khác, các sao chổi "núi lửa" như 12P/Pons-Brooks còn bị nóng phần nhân khi đến gần Mặt trời, gây ra áp suất tích tụ và tạo ra những vụ phun trào dữ dội, làm quầng coma đôi khi sáng lên đột biến.
Và một sự sắp đặt hóm hỉnh của tự nhiên đã điều chỉnh hướng các luồng phun trào của sao chổi sao cho mỗi lần nó phun trào, hai chiếc sừng lại mọc lên trên quầng coma rực sáng.
Với dự đoán về khả năng bùng nổ một lần nữa ngày 8-4 xảy ra, sẽ có hai điều thú vị.
- Thứ nhất, đó là khi vật thể có biệt danh "sao chổi quỷ" này đã rất gần Trái đất, nhờ đó vụ bùng nổ có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
- Thứ hai, đó cũng là ngày một số nơi trên thế giới - bao gồm nước Mỹ - thấy được nhật thực toàn phần.
Do vậy, 8-4 sẽ là một ngày rất thú vị với các nhà nhiếp ảnh thiên văn, nhất là khi nó bùng nổ ngay trước giai đoạn toàn phần và giúp họ có được khoảnh khắc "ngàn năm có một" khi sao chổi có cơ hội tỏa sáng giữa ban ngày, trong bóng tối của nhật thực.
Rất tiếc Việt Nam không nằm trên đường đi của nhật thực, nhưng chúng ta vẫn có khả năng nhìn thấy "sao chổi quỷ" bằng mắt thường vào ban đêm, vì nó sẽ giữ hình dạng đầu quỷ cũng như độ sáng bất thường ấy khá lâu sau khi bùng nổ.