Nguyên nhân hai chủng phụ của Omicron tăng đột biến toàn cầu

Hai chủng phụ mới của Omicron là BA.4 và BA.5 đang phát triển nhanh chóng do có lợi thế lây truyền, đột biến trốn tránh vaccine và mức miễn dịch suy yếu tại một số khu vực.

Sau nhiều tuần giảm, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng trở lại trên toàn cầu. Tại một số nước như Isarel, Đức và Mỹ, biến chủng lây lan phổ biến trong làn sóng mới là BA.4 và BA.5. Chúng hoạt động mạnh bởi có lợi thế lây lan nhanh hơn các biến chủng đang lưu hành khác, chẳng hạn BA.2 (biến chủng "tàng hình" đã khiến số ca nhiễm tăng cao vào đầu năm nay).

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, BA.4 và BA.5 gây ra ít ca tử vong và nhập viện hơn so với phiên bản cũ của virus - dấu hiệu cho thấy khả năng miễn dịch của cộng đồng ngày càng tăng, đuổi kịp với sự gia tăng của Covid-19.

Vì sao biến chủng phát triển nhanh chóng?

Tháng 5, các nhà khoa học phát hiện BA.4 và BA.5 có chung nguồn gốc với các chủng Omicron trước đó. Phân tích do nhà di truyền học tiến hóa Bette Korber và William Fischer tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Mỹ, cho thấy chúng có thể là một nhánh của BA.2.

Cặp biến chủng có nhiều điểm chung với BA.2 hơn là BA.1, song sở hữu những đột biến riêng biệt là L452R và F486V trong protein gai. Chúng giúp virus bám vào vật chủ một cách hiệu quả và trốn tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Nghiên cứu của Trường Y Harvard trên tạp chí Y học New England, ngày 22/6, cũng cho thấy BA.4 và BA.5 dường như có khả năng tránh kháng thể ở những người từng mắc Covid-19 và cả những người đã được tiêm nhắc lại. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra ca nhiễm đột phá trong khi miễn dịch từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên ngày càng giảm theo thời gian.

Tác động của BA.4 và BA.5 ở mỗi quốc gia

Theo ông Althaus, quy mô làn sóng BA.4 và BA.5 sẽ thay đổi tùy vào từng khu vực. "Nó có thể là 5% ở một số quốc gia và 30% tại những nước khác. Tất cả phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của người dân", ông nói.

Waasila Jassat, chuyên gia y tế công cộng tại Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm, cho biết số ca mắc tại Nam Phi cao, nhưng số ca nặng chỉ tăng nhẹ trong đợt lây nhiễm mới.

Nghiên cứu sắp xuất bản của bà và các đồng nghiệp chỉ ra rằng tỷ lệ nhập viện ở đợt bùng phát BA.4 và BA.5 tương tự làn sóng Omicron đầu năm, trong khi tỷ lệ tử vong thấp hơn một chút.

Tuy nhiên, các nước ngoài Nam Phi ghi nhận tác động lớn hơn. Ở Bồ Đào Nha, nơi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 rất cao, mức độ tử vong và nhập viện ngang với đợt bùng phát Omicron đầu tiên.

Theo tiến sĩ Althaus, nguyên nhân có thể do sự khác biệt về nhân khẩu học. Nam Phi có dân số trẻ, trong khi độ tuổi trung bình tại châu Âu cao hơn. "Càng nhiều người già, số bệnh nhân nặng càng tăng", ông nói.

Nguyên nhân khác có thể là tình trạng miễn dịch cộng đồng, tiến sĩ Jassat nhận định. Khoảng 50% dân số trưởng thành tại Nam Phi đã tiêm hai mũi vaccine, chỉ 5% tiêm tăng cường. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trước đó rất cao, vô tình dựng lên bức tường "miễn dịch lai" giúp người bệnh không chuyển nặng, đặc biệt là những người cao tuổi.


Một bé gái hai tuổi được tiêm vaccine Moderna vào chân tại Quảng trường Thời đại ở Mỹ, tháng 6/2022. (Ảnh: NY Times)

Kịch bản tiếp theo của Covid-19

Các nghiên cứu phòng thí nghiệm cho thấy kháng thể từ vaccine ít hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa BA.4 và BA.5. Theo giới khoa học, virus có thể lây nhiễm cho người đã tiêm tăng cường và cả những người có nhiễm dịch lai (đã tiêm vaccine và nhiễm Omicron dòng BA.1). Nguyên nhân là đột biến L452R và F486V có thể trốn tránh miễn dịch.

Các nhà khoa học nhận định biến chủng phụ của Omicron có thể khoét sâu thêm các lỗ hổng trong miễn dịch cộng đồng hiện có.

"Không ai dám nói BA.4 và BA.5 là biến chủng cuối cùng. Rất có thể các phiên bản khác của Omicron sẽ xuất hiện", Kei Sato, nhà virus học tại Đại học Tokyo, cho biết.

Giới nghiên cứu đã xác định những vùng trong protein gai virus không trốn tránh được kháng thể từ vaccine, nhưng chúng sẽ sớm đột biến trong tương lai.

Kịch bản tiếp theo là biến chủng mới tiến hóa từ nhánh khác của nCoV, không phải Omicron. Việc tái nhiễm Omicron có thể khiến virus đột biến, tạo ra biến chủng hoàn toàn mới lạ với phản ứng miễn dịch của bệnh nhân.

Ngày càng nhiều nhà khoa học cho rằng Omicron và Alpha có thể bắt nguồn từ người nhiễm nCoV kéo dài vài tháng. Trong thời gian đó, các đột biến bắt đầu tái tổ hợp, thích nghi để có khả năng lây truyền cao và né tránh miễn dịch hiệu quả nhất có thể.

Theo Mahan Ghafari, chuyên gia virus Đại học Oxford, để trở nên phổ biến, các chủng virus tương lai sẽ có khả năng né tránh miễn dịch và nhiều đặc tính đáng lo ngại khác. Trước đó, tiến sĩ Sato và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng BA.4 và BA.5 gây tử vong ở chuột nhiều hơn so với BA.2. Hai biến chủng cũng lây nhiễm các tế bào phổi nuôi cấy tại phòng thí nghiệm tốt hơn.

Trong khi tiến sĩ Jassat cho rằng Covid-19 sẽ càng ngày càng nhẹ, tiến sĩ Sato cảnh báo cộng đồng không nên chủ quan vì xu hướng này. "Không phải lúc nào virus cũng ít nghiêm trọng hơn sau nhiều lần tiến hóa, cũng chưa rõ khi nào biến chủng mới sẽ xuất hiện", ông Sato nói.

BA.4 và BA.5 được ghi nhận tại Nam Phi chỉ vài tháng sau BA.1 và BA.2 - mô hình lặp lại ở nhiều nơi như Mỹ và Anh. Khi toàn thế giới đạt đủ khả năng miễn dịch, tiến sĩ Althaus hy vọng tần suất các làn sóng Covid-19 sẽ chậm lại.

"Khả năng khác là đại dịch tiến triển thành bệnh theo mùa, thường đạt đỉnh vào mùa đông, suy yếu và quay trở lại sau mỗi hai, ba năm hoặc lâu hơn", Althaus cho hay.

Cập nhật: 25/06/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video