Nguyên nhân lười suýt chết mỗi lần đại tiện

Dù có nguy cơ mất mạng, loài lười luôn đều đặn leo xuống cây để thải phân mỗi lần một tuần.

Do lười chuyển động cực chậm, chúng thường mất tới một tháng để tiêu hóa một số thức ăn. Hệ đường ruột của chúng làm việc thực sự chậm, khiến chúng bị táo bón nghiêm trọng và chỉ thải phân một lần mỗi tuần. Không chỉ vậy, lười phải trèo xuống đất để tiến hành hoạt động này và dễ dàng trở thành mục tiêu của thú săn mồi.

Theo The Washington Post, lười có thể mất 1/3 trọng lượng cơ thể sau mỗi lần thải phân và hoạt động này diễn ra vô cùng khó khăn. "Bạn có thể thấy dạ dày chúng co lại khi đại tiện", Rebecca Cliffe, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu lười ở Đại học Swansea, Anh, cho biết.


Lười mạo hiểm mạng sống trèo xuống đất để đại tiện. (Ảnh: Wordpress).

Thải phân là lý do duy nhất để lười rời khỏi cây và đứng thẳng. Theo Cliffe, chúng đào một hố nhỏ để thải phân trong đó, lấp lại sau khi xong việc và leo trở lại cây.

Các nhà nghiên cứu chưa biết rõ nguyên nhân tại sao vận động đường ruột ở lười tốn nhiều thời gian và điều gì thôi thúc chúng mạo hiểm mạng sống rời khỏi cây để thải phân. Một giả thuyết do nhóm nghiên cứu ở Đại học Wisconsin, Mỹ, đưa ra năm 2014 là lười thải phân theo cách kỳ lạ như vậy để duy trì sự cân bằng giữa chúng và bướm đêm.

Trong quan hệ cộng sinh, bướm đêm sống trên cơ thể lười giúp một loại tảo ở lông lười sinh sản. Loại tảo này rất quan trọng đối với sự sinh tồn của lười bởi nó giúp bộ lông có màu xanh lá, cho phép lười cải trang trước thú săn mồi và cung cấp chất dinh dưỡng để lười hấp thụ qua da. Do đó, có khả năng lười trèo xuống đất thải phân để cung cấp nơi đẻ trứng cho bướm đêm hoàn thành vòng đời.

Cliffe cho rằng giả thuyết này không có sức thuyết phục khi xét đến mối nguy hiểm mà lười phải đối mặt dưới đất. Hơn một nửa lười chết khi không ở trên cây. Ngoài ra, những con lười nuôi nhốt không cần bướm đêm hay tảo để tồn tại, nhưng chúng vẫn thực hiện hành vi tương tự. Cliffe đưa ra giả thuyết về giao phối.

"Đây là một hành vi mang tính sống chết. Tôi nghĩ hành vi này liên quan tới sinh sản, bởi đó là yếu tố đứng sau phần lớn những hành vi khó hiểu ở động vật", Cliffe chia sẻ.

Giả thuyết của Cliffe là hành vi giúp đánh dấu cái cây trước những con lười khác, cho chúng biết có một con cái có khả năng sinh sản đang sống trên cây. Cliffe nhấn mạnh cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Cập nhật: 28/06/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video