Năm 2023 ghi nhận 12 tháng nóng nhất trong lịch sử loài người. Băng tan và nước biển ấm lên với tốc độ đáng ngại đã khiến các nhà khoa học phải chật vật tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Những yếu tố đã được phát hiện từ lâu như việc đốt nhiên liệu hóa thạch và hiện tượng thời tiết cực đoan El Ninõ vẫn chưa đủ để giải thích cho tốc độ ấm lên chóng mặt của Trái đất.
Tuy nhiên, trong một bài đăng trên tạp chí Science hôm 5/12, mảnh ghép còn thiếu cho lời giải này đã được xác định. Một nhóm các nhà khoa học chỉ ra rằng, những đám mây tối màu bay thấp trên biển có thể đã góp phần đẩy nhanh tốc độ nóng lên toàn cầu.
Những đám mây thấp và mây tối màu được cho là một trong những yếu tố then chốt tác động đến sự nóng lên toàn cầu nhanh chóng. (Ảnh: Reuters).
Theo Helge Goessling, nhà vật lý khí hậu tại Viện Alfred Wegener ở Đức, việc những đám mây sáng màu xuất hiện với tần suất ngày càng thấp đồng nghĩa rằng Trái đất hấp thụ nhiều ánh sáng Mặt trời hơn.
Hiện tượng này được gọi là "suất phản chiếu" (tiếng Anh: albedo) chỉ khả năng phản nhiệt lượng từ Mặt trời vào lại không gian của các bề mặt.
Theo CNN, suất phản chiếu của Trái đất đã giảm mạnh từ thập niên 1970, một phần do sự tan chảy của các khối băng biển sáng màu, để lộ những vùng đất và nước tối màu, từ đó hấp thụ nhiều ánh sáng Mặt trời hơn và làm nóng bề mặt Trái đất.
Các đám mây thấp được cho là cũng tác động đến suất phản chiếu ánh sáng Mặt trời. Thông qua phân tích dữ liệu từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), các nhà khoa học phát hiện rằng sự sụt giảm tần suất các đám mây thấp kéo theo sự suy giảm suất phản chiếu của Trái đất trong năm 2023, góp phần gây ra mức nóng kỷ luật.
Một số khu vực như Bắc Đại Tây Dương chứng kiến mức sụt giảm suất phản chiếu đáng kể, theo nhóm nghiên cứu.
Dẫu vậy, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này.
"Mối liên hệ giữa những đám mây thấp và mây tối màu với sự nóng lên toàn cầu quả thực là một bài toán hóc búa", ông Goessling nói.
Mark Zalinka, nhà khoa học khí quyển tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, so sánh những đám mây với "lớp kem chống nắng của Trái đất". Ông cũng nói với CNN rằng những thay đổi nhỏ của các đám mây có thể "gây ra biến đổi mạnh mẽ đối với suất phản chiếu của Trái đất".