Đó là tầm nhìn của Ecovative, một công ty Mỹ do 2 người bạn cùng lớp Gavin McIntyre và Eben Bayer của Viện Bách khoa Rensselaer thành lập vào năm 2007. Ecovative sử dụng một phần của cây nấm để tạo ra các sản phẩm bền chắc và đã bắt tay vào thí nghiệm để xây dựng một ngôi nhà thu nhỏ từ nấm.
Báo Daily Mail dẫn lời McIntyre cho biết : “Eben khi đi dạo trong rừng đã quan sát thấy sợi nấm phát triển trên các vết nứt của thân cây thân gỗ và kết dính các vết nứt lại với nhau. Ý tưởng xuất hiện là liệu chúng ta có thể dùng sợi nấm để tạo ra keo dính không?”.
Một cây nấm chứa hàng triệu sợi nhỏ. Công ty Ecovative đã dùng sợi nấm để ghép các phụ phẩm nông nghiệp lại với nhau như thân cây bắp để tạo thành vật liệu có thể thay thế bột nhựa. Về mặt sinh học, chức năng của sợi nấm là phá vỡ chất thải như cách nó hoạt động bí mật trong các enzyme, chất béo, protein. Nó có vai trò như keo dính và giữ chắc mọi thứ với nhau.
Công ty Ecovative đã xây một ngôi nhà nhỏ từ gỗ thông và đổ hỗn hợp nấm vào trong khuôn tường. Hỗn hợp đã khô sau một tháng giống cách thức xi măng kết dính, và tạo ra một phần vỏ bọc kín hơi.
Sử dụng nấm để làm nhà có thể tiết kiệm được chi phí nguyên liệu vì không cần đinh tán trên tường, đồng thời cách nhiệt tốt. Căn nhà cũng có "hệ miễn dịch" của riêng mình, giúp ngăn chặn các vi sinh vật phát triển từ bên trong.