Nhà máy Jebel Ali có khả năng chuyển đổi nước biển thành nước sạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân thành phố Dubai.
Dubai là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất thế giới, đồng thời là nơi có khí hậu rất khô hạn, theo Popular Science. Sự bùng nổ dân số ở Dubai khiến nguồn nước ngầm dần bị khai thác cạn kiệt, hiện nay chỉ cung cấp đủ 0,5% nhu cầu của thành phố.
Để sản xuất nước sạch đáp ứng 99,5% nhu cầu còn lại (khoảng 1,6 tỷ lít nước sạch), chính quyền thành phố đã cho xây dựng Jebel Ali, nhà máy khử muối từ nước biển nằm giữa vùng vịnh Ba Tư và sa mạc Arab, có khả năng xử lý 10,6 tỷ lít nước biển mỗi ngày.
Nhà máy Jebel Ali áp dụng công nghệ thẩm thấm ngược, bơm nước biển qua các màng lọc để khử muối. Hệ thống màng lọc này sản xuất khoảng 11,3 triệu lít nước/ngày.
Phần còn lại của nước biển (khoảng 98,5%) đi qua hệ thống đun nóng và làm lạnh gọi là chưng cất nhanh. Các tuabin vận chuyển hơi nước trong ống dẫn tới một loạt buồng hơi và làm ngưng tụ thành nước sạch.
Cơ quan Nước và Năng lượng Dubai (DEWA) kiểm tra độ pH, độ đục và chlorine dioxide của nước được tạo ra trước khi vận chuyển đến các hồ chứa và 666.430 khách hàng trong thành phố.
Chỉ có khoảng 9% lượng nước biển đầu vào sẽ trở thành nước uống. Lượng nước biển còn lại có độ mặn cao hơn được bơm trở lại vịnh Ba Tư. Công nhân tại nhà máy Jebel Ali thường xuyên kiểm tra độ axit của nước và tình trạng các loài sinh vật biển, nhằm đảm bảo nước muối ấm thải ra từ nhà máy không gây hại đến hệ sinh thái.