Gần đây, nick yahoo của nhà văn "3X" Trần Thanh Giao thường xuyên sáng đèn. Vào hỏi thăm, ông "bật mí": "Chu vua lap website!". Nhà văn lập web là chuyện không mới, nhưng chưa phổ biến. Vì thế, sự xuất hiện nhiều trang web nhà văn VN gần đây xới lên nhiều suy nghĩ về "làn gió @" vào đời sống văn học.
"Gió" @ thổi về hướng các cây bút 7-8-9X, dấy lên làn sóng văn chương trên mạng đã được đề cập nhiều, nhưng khi ngọn gió này thổi ngược lên "mạn" 3-4-5X và được họ đón nhận một cách nhiệt tình thì phải khẳng định sức hấp dẫn của nó thật mạnh.
Nhà văn Trần Thanh Giao (sinh năm 1932), giải thích mối duyên muộn nhưng vốn đã ấp ủ từ lâu của mình với mạng Internet: "Từ lâu, tôi đã thấy văn chương @ có nhiều cái rất hay. Rồi tình cờ có anh bạn rủ làm trang web nên làm thử. Đó là những sáng tác được viết trên máy tính hơn 10 năm qua. Nếu không có sự “chuẩn bị” này thì trong vài tuần, làm sao đưa cả nghìn trang sách của mình lên mạng…".
Ông còn tâm sự: "Đúng là tuổi trẻ đang chiếm lĩnh văn chương @ và bạn bè tôi thường bảo "sao không thấy mấy anh già". Có vài bạn trẻ gọi tôi là thày, nhưng tôi vẫn thích học các bạn ấy. Chuyện Ông già Noel cả nghìn năm nay rung động trái tim của cô bé 10 tuổi cũng như ông già 80 tuổi. Vấn đề là anh có cái gì mang ra chia sẻ không". Và chính vì rất tự tin mình có cái để chia sẻ với mọi người, cây bút ký - tiểu thuyết Nam Bộ kỳ cựu này đã đến với web.
Giao diện trang web của nhà văn Trần Thanh Giao. |
Hiện nay, công ty truyền thông văn hóa V2V ở TP HCM lần đầu tiên có đợt làm web giảm giá cho các cây bút Việt Nam. Nhà thơ Hồ Thi Ca, cũng là một cố vấn chuyên môn của công ty này, cho hay, biết tin có đợt làm web khuyến mãi như thế, nhiều cây bút rất hồ hởi điện thoại đến hỏi thông tin, tìm hiểu, nhưng con số đăng ký chính thức thì còn hạn chế.
Theo anh Hồ Thi Ca, dù chi phí thiết kế kỹ thuật cho trang web không cao, nhưng tài chính vẫn là mối lo của nhà văn khi muốn đến với web. Thêm vào đó, còn có tâm lý e ngại khi đụng đến website là cả một hệ thống, xây dựng xong phải bỏ công quản lý, nuôi dưỡng web nếu không muốn "đứa con tinh thần" bị chết yểu.
Tuy cực mà vui
Nhà thơ Hồ Thi Ca khẳng định, lập web cá nhân không phải là "đua đòi theo phong trào" mà là nhu cầu rất chính đáng của người viết. Đó là nhu cầu giới thiệu mình, tiếp cận đến lượng bạn đọc lớn và thậm chí là thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" giữa các cây bút. Trên web của nhà thơ Vũ Hồng, Thu Nguyệt và vài người khác, bên cạnh thông tin về chính tác giả còn đầy ắp những kết nối thú vị với thế giới văn học, thế giới tri thức. Họ cũng quảng cáo giùm các cây bút trẻ mới ra sách (vốn không dễ chen được vào mục điểm sách của các phương tiện truyền thông).
Nhà thơ Thu Nguyệt có định nghĩa vui: "Website còn là một siêu thị chữ nghĩa hay siêu tờ báo, siêu sách, siêu tạp chí". Ở đó, nếu linh động, về lâu dài người viết dễ dàng giao lưu tiếp cận với một thế hệ độc giả mới.
Một nhà thơ khác cho rằng: "Hiện tại xuất bản trong nước vẫn còn nhiều thủ tục khó khăn. Đầu tư cho một tập thơ để được in cũng mất 5-7 triệu đồng và mất công sức, tiền của bao nhiêu năm mới ra được một cuốn chưa chắc được độc giả tìm đến. Xuất bản trên mạng (qua web của mình) rẻ hơn. Đầu tư một lần mà mang hình ảnh, tác phẩm của mình đến với công chúng rất hiệu quả".
Có trang web cũng là một thứ thuốc kích thích các cây bút tích cực viết, tích cực làm mới bản thân. Nhà văn Trần Thanh Giao mở chuyên mục “Mới” ở đầu trang “Tác phẩm” trên web của mình và "lòng dặn lòng": "Cứ mỗi sáng thứ bảy thì phải có cái gì mới cho trang…".
Vấn đề bản quyền là việc khiến một vài người chột dạ, tuy nhiên, phần đông xem chuyện này không quan trọng. Người viết nào cũng muốn tác phẩm của mình đến với công chúng; chứ không muốn kỳ công viết ra rồi do không có phương tiện in đành xếp xó. Từ khi nuôi ý tưởng đến khi trang web thật sự chào đời là quá trình mệt phờ râu, nhưng lợi ích mang lại khiến các "khổ chủ" đều thấy vui.
Vẫn còn những khoảng trống lớn...
Một trang web hình động của nhà văn thiếu nhi nổi tiếng thế giới Cornelia Funke. |
Với giới nghệ sĩ biểu diễn thì ngoài việc nghệ sĩ, đơn vị quản lý đứng ra lập web, các fan cũng xắn tay tham gia nhằm mở rộng diễn đàn giới thiệu về "thần tượng" của mình. Điều này trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay còn hiếm, trừ trường hợp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, được một người hâm mộ làm tặng một trang mạng tập hợp các tác phẩm của chị, cũng như các thông tin, bài viết liên quan.
Web của giới văn chương đã "yếu" lại còn thiếu. Nhất là thông tin trên mạng về các gương mặt đương đại: Tô Hoài, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Sơn Nam, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Huy Thiệp... Nói ví von, các gương mặt đương đại của Việt Nam hay trong quá khứ đều sống ở "chung cư" trên mạng chứ chưa có "nhà riêng".
Những "chung cư" đó thường là những trang web văn học trong nước, và hải ngoại. Hoặc thông tin nằm lẻ tẻ, rải rác trên báo mạng, trên các thư viện online của cá nhân lập nên. Nhiều tên tuổi từ cổ chí kim của văn giới Việt Nam cũng đã xuất hiện trên Wikipedia - Bách khoa toàn thư thông tin của thế giới, tuy vậy, thông tin chỉ hết sức giản lược, ở mức phổ cập kiến thức.
Không khí rôm rả lập web của người viết Việt Nam trong thời gian gần đây là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng phải có nhiều hơn nữa cá nhân và những tổ chức "dám chịu chơi" thì văn học mạng - văn học in trong nước trong tương lai mới hy vọng mang diện mạo hoàn toàn khác hôm nay.
Thất Sơn