Các nhà khoa học Nga đã bắt đầu tiến hành kế hoạch nhân bản vô tính những động vật từ thời tiền sử, bao gồm cả loài voi ma mút với hy vọng rằng lớp băng vĩnh cửu ở Siberia sẽ giúp họ thu được những mẫu DNA nguyên vẹn để hồi sinh những sinh vật cổ xưa này.
Các nhà khoa học tiến hành nhân bản vô tính động vật thời tiền sử
Đội thí nghiệm thuộc bảo tàng voi ma mút của Viện Sinh thái học, Đại học liên bang Đông Bắc ở Yakutsk, hy vọng có thể lấy được những mẫu DNA từ việc quét hơn 2.000 mẫu vật họ đang lưu trữ.
Một phòng thí nghiệm hiện đại thuộc cơ sở này cũng sẽ được đưa vào sử dụng để phân tích các mẫu vật mới nhằm tránh nguy cơ hư hại trong quá trình vận chuyển đến phòng thí nghiệm khác ở nơi xa.
Ảnh minh họa: Reuters.
Mục tiêu của kế hoạch hồi sinh động vật tiền sử này là để tạo ra một “Công viên kỷ Jura” đời thực làm nơi sinh sống của những động vật đã tuyệt chủng bên bờ sông Kolyma ở Yakutia.
Dự án bước đầu đang tiến hành tái tạo lại các điều kiện môi trường tự nhiên tiền kỷ băng hà để chuẩn bị sẵn sàng cho những động vật sắp được tái sinh.
Ngoài voi ma mút, các nhà khoa học cũng sẽ tìm kiếm DNA của tê giác có lông - những tổ tiên đầu tiên của bò rừng bison và trâu, cũng như DNA của gấu và sư tử hang động.
Nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới, bao gồm cả những chuyên gia đến từ Harvard và đại học Chicago, đã nỗ lực nhân bản vô tính những động vật thời tiền sử từ nhiều năm nay, tuy nhiên kết quả đạt được rất hạn chế vì chất lượng DNA thu được không đảm bảo.
Các chuyên gia Nga hy vọng họ sẽ tiến xa hơn trong hành trình này. Một khi thu được DNA, họ sẽ cấy nó vào cơ thể voi châu Á hoặc Ấn Độ để thụ thai voi ma mút. Hiện các nhà khoa học Nga đang phối hợp với công ty công nghệ sinh học Sooam của Hàn Quốc và Viện nghiên cứu gen Bắc Kinh (Trung Quốc) để bảo đảm sự thành công của dự án.