Bằng phương pháp cấy mô, các nhà khoa học của Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Công nghiệp TP HCM vừa nhân giống thành công cây thông đỏ.
Nhóm đã tạo ra được cây con có rễ. Tiến sĩ Đàm Sao Mai cho biết, tỷ lệ nhân giống tự nhiên của cây thông đỏ rất thấp, chỉ khoảng 0,1% vì cây có trái nhưng không có hạt.
Còn nếu nhân giống bằng phương pháp dâm cành thì cây mọc ngang, nhiều nhánh, không có hàm lượng Taxol, một chất quý để sản xuất thuốc chữa bệnh ung thư. Trong khi đó, thông đỏ phải mọc thẳng thì mới có hàm lượng chất Taxol.
Nhân giống thông trong phòng thí nghiệm.
Để nhân giống thành công, Viện đã lấy cành thông đỏ từ Lâm Đồng, sau đó cấy chúng trong môi trường thích hợp. Sau hai đến ba tháng khi chồi cao hai cm thì chuyển chồi vào môi trường ra rễ để phát triển rễ.
Rễ của cây con sau bốn tháng sẽ chuyển sang màu vàng nhạt, hình thành lông hút. Tỷ lệ chồi ra rễ là 80%. Khi cây đã ra rễ sẽ được thuần hóa trước khi chuyển ra vườn ươm.
Sau ba tháng phát triển trong vườn ươm cây con có thể đem trồng ngoài tự nhiên. Thông đỏ phù hợp với những nơi có khí hậu lạnh như Lâm Đồng. Để rễ phát triển đòi hỏi môi trường phải phù hợp, gồm các chất điều hóa sinh, vitamin, NH4NO3, KNO3, K2SO4…..
Viện Công nghệ sinh học - Thực phẩm là nơi đầu tiên trong cả nước tạo ra được cây thông đỏ con có rễ. Số lượng cây thông đỏ ở Việt Nam hiện còn rất ít, đây là một trong những giống cây quý cần được bảo tồn.
Tiến sĩ Mai cho biết thêm, Viện đã hợp tác với một số nơi để phát triển cây thông đỏ này. Trước mắt, Viện sẽ tiến hành nhân giống 6.000 cây con theo đơn đặt hàng của một việt kiều Pháp.