Loài mực khổng lồ không những sống dưới đáy biển sâu thẳm mà còn có khả năng bơi rất nhanh. Các nhà khoa học Nhật Bản vừa công bố những hình ảnh độc đáo để chứng minh điều này trong một đoạn phim về một con mực khổng lồ.
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Tsunemi Kubodera dẫn đầu đã ghi lại hình ảnh một con mực khổng lồ dài 3,5m (riêng chiếc đầu dài 1,4m) và cân nặng 50kg dưới đáy biển Bắc Thái Bình Dương sâu 640m cách Tokyo 1.000km về phía Nam.
Loài mực khổng lồ này được coi là một trong những sinh vật bí hiểm nhất đại dương, nhiều năm nay đã làm hao tốn không biết bao công sức săn đuổi của các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Khoa học Quốc gia Nhật Bản.
Một số tài liệu không chính thức cho biết: con mực có thể phát triển tới 20m chiều dài.
“Trong phim cho thấy con mực khổng lồ vùng vẫy dữ dội để thoát khỏi lưới giăng vừa phun mạnh nước từ cái phễu của nó (để cử động), chứng minh loài mực khổng lồ cũng có thể bơi rất nhanh thay vì nổi bình thường”, Giáo sư Kubodera nói.
(Ảnh: sciam.com)
Để nhử mồi con mực này, nhóm nghiên cứu đã đặt một cái móc cỡ bự dưới độ sâu 650m ở biển Ogasawara kèm theo “vật hiến tế”. Con mực mắc bẫy vào và bị bắt sống sau vài giờ vật lộn không thành.
Nhóm nghiên cứu của ông kết luận rằng việc bắt được một con mực khổng lồ ở độ sâu 640m khẳng định rất nhiều con sống ở dưới biển sâu.
Loài mực, kể cả mực khổng lồ là thức ăn chính của cá nhà táng. Theo Giáo sư Kubodra, một con cá nhà táng có thể ăn ít nhất 500kg mực mỗi ngày. Ở phân nửa khu vực phía Tây biển Thái Bình Dương, có khoảng 200.000 con cá nhà táng, do đó phải có rất nhiều mực dưới đáy biển sâu.
Trong vài tháng tới, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu bên trong dạ dày của con mực khổng lồ. Năm ngoái các nghiên cứu do họ thực hiện cho phép kết luận rằng loài mực khổng lồ không chỉ bơi nổi mà ngược lại rất hoạt động, chúng tấn công con mồi ở tư thế nằm ngang trước khi giết bằng cách siết cổ.
(Ảnh: Nationalgeographic)