Đất hiếm là một nhóm gồm khoảng mười kim loại, chúng tồn tại khá phổ biến trong lớp vỏ Trái đất. Sở dĩ những loại đất này được gắn với từ "hiếm" là bởi chúng được tìm thấy ở nồng độ nhỏ và rất khó để chiết xuất do những loại đất này rất giống với các khoáng chất thông thường khác.
Hiện nay, Trung Quốc là nhà cung cấp kim loại hiếm lớn nhất thế giới. Riêng quốc gia này đã cung cấp tới 90% nguồn cung của thế giới và chỉ có 7 quốc gia nắm giữ 10% còn lại. Theo một thống kê của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam về trữ lượng đất hiếm, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, xếp sau là Brazil với 21 triệu tấn.
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo vào năm 2010 cho thấy lo ngại khi thiếu hụt 5 trong số 17 nguyên tố đất hiếm. Tuy nhiên, một phát hiện của Nhật Bản vào năm 2017 có thể sẽ thay đổi cục diện cuộc chơi.
"Kho báu" khổng lồ trải dài tới hơn 2.000km2
Vào năm 2017, Nhật Bản thông báo rằng họ đã phát hiện một trữ lượng lớn đất hiếm nằm cách hòn đảo Minamitori khoảng 1.850km. Khu vực này chứa tới gần 16 triệu tấn đất hiếm. Các khoáng chất được phát hiện trong lõi sâu tới 10m trong trầm tích dưới đáy biển. Ngoài ra, trang Big Think cũng cung cấp thêm thông là diện tích khu vực này rơi vào khoảng 2.500 km².
Nhật Bản tìm thấy mỏ đất hiếm nằm ở khu vực biển gần đảo Minamitori . Ảnh: courrierinternational.com
Nguồn dự trữ quý giá hàng trăm năm của nhân loại
Theo những nhà địa chất Nhật Bản, lượng đất hiếm có ở khu vực này là cực kỳ lớn, gấp gần 5 lần lượng khoáng chất được khai thác từ đầu thế kỷ 20. Business Insider cũng đưa ra báo cáo rằng có đủ ytri (yttrium) để đáp ứng nhu cầu của nhân loại trong 780 năm, đủ dysprosi (dysprosium) trong 730 năm, europi (europium) trong 620 năm và terbi (terbium) trong 420 năm.
Trữ lượng đất hiếm tại Nhật đủ để cả nhân loại sử dụng trong hàng trăm năm. (Ảnh: challenges.fr)
Jack Lifton, giám đốc và sáng lập của một công ty nghiên cứu thị trường có tên là Công nghệ nghiên cứu kim loại, đã trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Wall Street, cho rằng: "Phát hiện này của Nhật Bản là yếu tố để thay đổi cuộc chơi, bởi cuộc chạy đua để phát hiện các nguồn tài nguyên quý hiếm hiện đang được rất nhiều cường quốc quan tâm."
Phát hiện kho báu rồi thì giờ làm như thế nào để sử dụng nó hiệu quả?
Có thể bạn chưa nghe nhiều về đất hiếm nhưng thực tế thì chúng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Đất hiếm hữu ích cho các công nghệ xanh, cho y học và cả ngành sản xuất thiết bị điện tử hằng ngày, ví dụ như điện thoại, tivi, tủ lạnh...
Theo Liên minh Công nghệ Đất hiếm, với "các đặc tính như từ tính, phát quang và điện hóa độc đáo của chúng, những nguyên tố đất hiếm cho phép nhiều công nghệ hoạt động với lượng phát thải ít đi và cũng giúp giảm tiêu thụ năng lượng".
Nhiều loại đất hiếm được dùng để làm chip cho nhiều thiết bị điện tử. (Ảnh: tresor.economie.gouv.fr)
Do đó, việc phát hiện ra trữ lượng "kho báu" khổng lồ tại Nhật Bản là một tin rất tốt cho con người hiện tại và cả các thế hệ tương lai bởi chúng ta đều phụ thuộc rất nhiều và công nghệ. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Quốc gia này cần tìm cách khai thác đất hiếm từ mỏ quặng nằm sâu nhiều kilomet dưới biển.
Việc khai thác đất hiếm vốn chẳng bao giờ là dễ dàng. Ngay tại Việt Nam, trữ lượng đất hiếm tại nước ta lên tới 22 triệu tấn, chủ yếu phân bố ở vùng Tây Bắc. Với trữ lượng kia, Việt Nam xếp thứ 2 trên thế giới về tiềm năng khai thác đất hiếm.
Việc khai thác đất hiếm vẫn là một bài toán khó của nhân loại. (Ảnh: droitdunet.fr)
Tuy vậy, đó cũng chỉ là trên lý thuyết. Khai thác đất hiếm ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế do hệ thống trang thiết bị, vấn đề môi trường và cả các vấn đề về bảo hộ lao động.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) đánh giá thì trữ lượng đất hiếm của Việt Nam là không hề nhỏ, có nhiều cơ hội và tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, tính tới hiện tại, các mỏ đất hiếm đều chưa được khai thác có hiệu quả.