Phát hiện virus khổng lồ nhất thế giới

  •  
  • 5.039

Bạn có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi thông thường loại virus khổng lồ này.

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại virus mới được cho là lớn nhất từ trước tới giờ mà con người từng phát hiện được từ những bãi bùn.

Qua mô tả, loài virus mới này có tên gọi là Pandoravirus. Pandoravirus lớn gấp 2 lần loại virus thường, nó có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi thông thường. Virus này có kích thước thân là 1 micromet (1 phần triệu của mét). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy 2.500 gene tồn tại trong virus - một số lượng gene khổng lồ.

Nhà nghiên cứu Chantal Abergel thuộc Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Cấu tạo gene ở Marseille, (Pháp) cho biết: "Chúng khổng lồ đến mức bạn có thể thấy nó bằng kính hiển vi thường, chứ không cần tới kính hiển vi điện tử".

Phát hiện loại virus "bé bự" nhất thế giới
Hình ảnh của Pandoravirus ghi lại qua kính hiển vi.

Các nhà khoa học Pháp cho biết Pandoravirus sở hữu khoảng 2.500 gene, trong đó có khoảng 6% gene giống thành phần với các chủng virus khác, còn hơn 93% gene không liên quan đến bất kỳ chủng virus nào được biết trước đây. Điều này làm cho nguồn gốc của Pandoravirus trở nên bí ẩn.

Một số nhà khoa học cho rằng nó có thể có nguồn gốc từ thời xa xưa hoặc từ các hành tinh khác, chẳng hạn như sao Hỏa.

Nhà nghiên cứu Abergel chia sẻ: "Chúng tôi muốn đề xuất một nghiên cứu với quy mô lớn để làm sáng rõ đầy đủ chức năng về bộ gene Pandoravirus này. Rất có thể, điều này sẽ mở ra một hướng khám phá mới, giúp ích nhiều trong các ứng dụng công nghệ sinh học và y sinh học".

Các chuyên gia cũng nhận thấy, virus không có khả năng tự nhân bản. Chúng phải xâm nhập một tế bào khác nếu muốn sinh sôi. Ở đây, Pandoravirus đã xâm nhập động vật nguyên sinh và tảo.

Nhà nghiên cứu Jean-Michel Claverie thuộc Phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu tạo gene ở Marseille, (Pháp) nói: "Kiến thức của chúng tôi về đa dạng sinh học vi sinh vật trên hành tinh này vẫn còn khá hạn chế. Khám phá về cơ bản loại virus này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn nguồn gốc sự sống và tiến hóa của nó".

Chantal Abergel nói thêm rằng: "Không dừng lại ở đó, nghiên cứu trong tương lai có thể chỉ ra nhiều hơn các dạng sống trung gian giữa virus và tế bào hoặc thiết lập một sự liên kết giữa cả hai. Vấn đề là làm thế nào chúng ta xác định được ranh giới giữa các tế bào và virus?".

Ngoài ra, theo kết quả quan sát tại phòng thí nghiệm, virus khổng lồ này không có khả năng tự nhân bản, chúng phải xâm nhập tế bào khác nếu muốn sinh sôi. Sau khoảng 2-4 giờ, khi Pandoravirus tấn công trùng amip, nhân của nó sẽ biến đổi hoàn toàn và biến mất. Sau đó, nó sẽ giải phóng khoảng 100 Pandoravirus. Vật chủ của nó có thể là những động vật nguyên sinh và tảo.

Cập nhật: 16/04/2020 Theo Tri Thức Trẻ/Tuổi Trẻ
  • 5.039