Nhật thực minh chứng cho thiên tài, trí tuệ siêu phàm của Albert Einstein

Bốn năm sau khi ra đời, thuyết tương đối rộng của Albert Einstein được kiểm chứng bởi một hiện tượng thiên văn hiếm gặp, đưa tên tuổi ông lên một tầm cao mới.

Tháng 2/1919, 2 nhóm nhà thiên văn học từ các đài quan sát Greenwich và Cambridge lần lượt lên đường đến Sobral (Brazil) và Príncipe (một hòn đảo ngoài khơi Tây Phi), với thiết bị tiên tiến, giúp họ chụp ảnh nhật thực cắt ngang Nam Mỹ, Đại Tây Dương và Châu Phi vào ngày 29/5.

Các chuyến thám hiểm do Frank Dyson của Đài quan sát Hoàng gia Greenwich và Arthur Eddington của Đại học Cambridge dẫn đầu nhằm mục đích kiểm chứng thuyết tương đối rộng của Albert Einstein.


Thuyết tương đối rộng của Albert Einstein được kiểm chứng năm 1919. (Ảnh: Harris and Ewing Collection/Library of Congress, Washington, D.C).

Học thuyết trứ danh này được công bố vào năm 1915 nhưng vẫn bị nhiều nhà khoa học hoài nghi. Nhật thực mang đến cơ hội hiếm có để xác minh một trong những hệ quả thiết yếu của thuyết tương đối rộng. Đó là hiện tượng ánh sáng bị lực hấp dẫn bẻ cong.

Lý thuyết của Einstein dự đoán rằng các tia sáng truyền gần một vật thể nặng trong không gian sẽ bị bẻ cong. Chúng sẽ đi theo đường cong trong không-thời gian do khối lượng của vật thể đó tạo ra. Trong trường hợp tia sáng phát ra từ một ngôi sao ở xa và đi qua gần rìa Mặt trời, Einstein tính ra độ lệch khoảng 1,75 giây góc.

Trong điều kiện bình thường, dự đoán của Einstein không thể kiểm chứng. Lý do đơn giản là ánh sáng Mặt trời lấn át ánh sáng từ các ngôi sao ở gần, khiến chúng trở nên vô hình đối với những người quan sát trên Trái đất. Tuy nhiên, bóng tối của nhật thực sẽ cho phép các nhà thiên văn học quan sát và chụp ảnh vùng sao xung quanh Mặt trời.

Bằng cách so sánh các bức ảnh này với các hình ảnh đối chứng chụp vào ban đêm, có thể đo được mức độ bẻ cong ánh sáng của các ngôi sao khi Mặt trời xuất hiện. Yếu tố thuận lợi là một cụm sao sáng mang tên Hyades xuất hiện gần Mặt trời trong thời gian nhật thực nói trên.

Vào ngày nhật thực, nhóm tại Príncipe phải vật lộn với bầu trời nhiều mây và nhóm ở Brazil phải dùng đến kính thiên văn dự phòng chất lượng thấp hơn khi các bức ảnh từ kính thiên văn chính bị mất nét. Tuy nhiên, cuối cùng cả 2 đều có thể ghi nhận hình ảnh.

Sau vài tháng phân tích, đến tháng 11/1919, Eddington và Dyson công bố những phát hiện của họ đứng về phía thuyết tương đối rộng.

Báo chí đưa tin dồn dập. Tờ Times của London công bố: “Cuộc cách mạng trong khoa học. Lý thuyết mới về vũ trụ. Những ý tưởng của Newton đã bị lật đổ”. New York Times giật tít “Ánh sáng lệch lạc trên bầu trời”.

Thông tin này lập tức nâng tầm vóc Einstein, một nhà vật lý khá nổi tiếng trước đó, lên thành nhân vật vang danh toàn cầu. Các phương tiện truyền thông bắt đầu khai thác sâu vào tính chất khó hiểu trong công việc của Einstein, nhấn mạnh rằng chỉ một số ít người trên thế giới có thể hiểu được nó.

Theo bình luận của Britannica, hiện tượng nhật thực năm 1919 là sự kiện mang tính bước ngoặt, không chỉ minh chứng cho thuyết tương đối rộng mà còn khẳng định thiên tài, trí tuệ siêu phàm của Einstein.

Cập nhật: 01/11/2024 Znews
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video