Nhiệm vụ phòng thủ hành tinh đầu tiên của Trung Quốc đang dần thành hình, hướng tới vừa quan sát vừa đâm vào một tiểu hành tinh gần Trái đất với một lần phóng.
Thông tin mới về nhiệm vụ bảo vệ Trái đất cho thấy Trung Quốc không chỉ tìm kiếm giải pháp đối với mối đe dọa từ vật thể gần hành tinh (NEO) mà còn sử dụng nhiệm vụ thử nghiệm đầu tiên để tìm hiểu về hệ Mặt Trời, theo Planetary.
Mô phỏng một tiểu hành tinh bay về phía Trái đất. (Ảnh: Science Times).
Trung Quốc ngày càng quan tâm tới phòng thủ hành tinh. Năm 2023, thông tin sơ bộ cho thấy nhiệm vụ thử nghiệm chuyển hướng va chạm động lực đầu tiên sẽ nhắm tới thiên thể 2019 VL5 với thời gian phóng vào năm 2025. Đề xuất mới dựa trên các nghiên cứu sơ bộ xác định 2015 XF261, một tiểu hành tinh gần Trái đất đường kính 30 m, là mục tiêu cho nhiệm vụ kép quan sát và va chạm. Lựa chọn mục tiêu cuối cùng sẽ được chắt lọc dựa trên thời gian phóng, dự kiến trước năm 2030. Wu Weiren, chuyên gia khoa học Mặt trăng kiêm giám đốc Phòng thí nghiệm khám phá không gian sâu (DSEL) hồi tháng 4/2024 chia sẻ nhiệm vụ sẽ phóng vào khoảng năm 2027. Thời gian phóng phụ thuộc vào quỹ đạo của mục tiêu, mục đích nhiệm vụ và mức độ sẵn sàng
Dù chưa rõ tại sao Cục vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) thay đổi mục tiêu nhiệm vụ từ 2019 VL5 sang 2015 XF261, một lý do có thể là bản chất phức tạp của nhiệm vụ. Kế hoạch là đưa tàu vũ trụ quan sát tới tiểu hành tinh mục tiêu trước, tiến hành bay gần và quan sát từ quỹ đạo để tìm hiểu kích thước, hình dáng, thành phần, cấu trúc bên trong, bức xạ nhiệt của nó. Tiếp đó, tàu va chạm sẽ thực hiện thử nghiệm va chạm với tiểu hành tinh và đánh giá hệ quả trong 6 - 12 tháng để chắc chắn về tác động.
Kế hoạch cho nhiệm vụ phóng một lần này giống như kết hợp giữa Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) tác động tới tiểu hành tinh nhỏ Dimorphos của NASA và nhiệm vụ Hera của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phụ trách quan sát hệ thống tiểu hành tinh kép sau đó. Khác biệt chủ chốt là 2015 XF261 nhỏ hơn nhiều so với Dimorphos và quan sát chi tiết cận cảnh trước, trong và sau va chạm có giá trị khoa học lớn hơn. Ước tính khối lượng, mật độ và độ rỗng của tiểu hành tinh có thể hé lộ quá trình hình thành và tiến hóa của nó, qua đó cung cấp manh mối về nguồn gốc và sự phát triển của Hệ Mặt trời.
Thiết bị trên tàu vũ trụ bao gồm máy dò quang phổ và laser 3D, camera màu, radar, máy phân tích bụi và hạt. Camera màu độ phân giải cao sẽ được sử dụng để quan sát và lập mô hình các đặc trưng bề mặt của tiểu hành tinh, hỗ trợ lựa chọn điểm va chạm. Một radar sẽ được dùng để xem xét bên trong tiểu hành tinh và lập mô hình cấu trúc, tạo ra từ tín hiệu phản xạ từ tiểu hành tinh. Cuối cùng, máy phân tích hạt sẽ tập trung vào thành phần và tác động môi trường của bụi và các hạt.