Cách đây không lâu, chiếc ô-tô đầu tiên ở Indonesia vận hành bằng 100% nhiên liệu sinh học chế biến từ cây jatropha đã hoàn tất cuộc chạy thử nghiệm 3.200 km ở tỉnh Tây Timor. Thành công của chiếc Mitsubishi Strada được nhiều người kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên sử dụng năng lượng bền vững ở quốc gia vạn đảo này.
Giáo sư Manurung bên cạnh mẫu dầu Jatropha. (Ảnh: baocantho) |
Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2010, nhiên liệu sinh học sẽ đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng trong ngành điện và giao thông vận tải. Hiện nay phần lớn xe buýt và xe tải ở nước này chạy bằng dầu diesel sinh học - hỗn hợp dầu cọ (một loại nhiên liệu sinh học) với nhiên liệu hóa thạch do Công ty Dầu khí quốc doanh Pertamina cung ứng. Tại tỉnh Lampung ở đảo Sumatra, Tổng Công ty điện lực nhà nước PLN đang sử dụng dầu cọ trong một dự án thí điểm hướng tới việc chuyển tất cả nhà máy điện khắp cả nước sang dùng toàn diesel sinh học vào năm 2010.
Ngoài cây cọ dầu, Indonesia còn chú ý đến cây có dầu khác là jatropha. Do phải trồng trên đất màu mỡ nên các đồn điền trồng cọ đang chiếm dụng một phần không nhỏ trong quỹ đất canh tác cây nông nghiệp, trong khi cây jatropha có thể mọc trên những vùng đất khô cằn. Đó là chưa nói chi phí lập một đồn điền jatropha chỉ bằng 1/10 đồn điền cọ.
Xe Mitsubishi Strada trong lần chạy thử nghiệm ở Tây Timor. (Ảnh: baocantho) |
Mặc dù nhu cầu có thể tăng vọt trong thời gian tới nhưng nhiên liệu sinh học khó có thể đánh đổ vị trí năng lượng chủ đạo của xăng dầu ở Indonesia nói riêng và trên thế giới nói chung. David Chang, chuyên gia nghiên cứu của UOBKay Hian Securities dự báo. Sản lượng dầu cọ của Malaysia và Indonesia đáp ứng khoảng 90% nhu cầu của thế giới nhưng chỉ tương đương khoảng 3% nhu cầu nhiên liệu hóa thạch hiện nay trên toàn cầu. Và do phải dành diện tích đất trồng cho cây lương thực trong khi các đồn điền dầu cọ mất đến 4 năm mới có thể thu hoạch nên trước mắt Indonesia khó có thể gia tăng sản lượng dầu cọ.
Manurung và nhiều nhà nghiên cứu khác ở Indonesia tin rằng trước thực tế này jatropha sẽ sớm soán ngôi dầu cọ - trở thành nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch và dầu cọ, đồng thời có thể giúp nông dân nghèo ở các tỉnh miền đông đất đai quanh năm khô hạn làm giàu. Theo Ủy ban quốc gia về nghiên cứu phát triển nhiên liệu sinh học Indonesia, chính phủ có kế hoạch dành ít nhất 5 triệu hécta đồi trọc lập các đồn điền trồng jatropha, mía đường và sắn để sản xuất nhiêu liệu sinh học.
NGỌC DŨNG