Một nhiếp ảnh gia ghi lại cảnh loài cá lớn nhất thế giới ăn khối cầu cá dùng làm mồi nhử cùng với những con cá mập, cá ngừ và chim biển khác ở rạn san hô Ningaloo.
Cá mập voi, loài cá lớn nhất thế giới, dành nhiều thời gian bơi chậm rãi, nuốt chửng lượng lớn sinh vật nhỏ xíu như nhuyễn thể theo đặc trưng của động vật ăn lọc. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện chúng có thói quen săn mồi phức tạp hơn so với hiểu biết trước đây. Quan sát mới ở rạn san hô Ningaloo thuộc bang Western Australia cho thấy cá mập voi có thể phối hợp với nhiều động vật ăn thịt khác như cá ngừ, cá mập, thậm chí chim biển.
Cá mập voi ăn khối cầu cá mồi ở rạn san hô Ningaloo. (Ảnh: Tom Cannon)
Trong video quay vào tháng 3/2020 của nhiếp ảnh gia Tom Cannon, ít nhất 3 con cá mập voi lao vào khối cầu cá mồi, một hành vi rất hiếm gặp, theo Emily Lester, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Viện Khoa học Hải dương Australian, tác giả chính của bài báo hồi tháng 2 mô tả chi tiết cảnh tượng.
Trong khi nhuyễn thể và các sinh vật phù du khác chiếm phần lớn nguồn thức ăn của cá mập voi, giới nghiên cứu từ lâu đã biết những loài cá nhỏ như cá trổng và cá mòi, thậm chí cả mực, cũng nằm trong chế độ ăn. Tuy nhiên, việc xác định cá mập voi ăn những động vật này khi nào, ở đâu và tại sao là một công việc khó khăn. Bất chấp cá mập voi có kích thước khổng lồ, nghiên cứu loài vật rất thách thức bởi chúng quá linh động. Chúng không chỉ bơi khắp đại dương mà còn lặn sâu hàng nghìn mét. Cá mập voi tụ tập ở Ningaloo mỗi năm từ tháng 3 đến tháng 8, cung cấp cơ hội độc đáo cho các nhà khoa học quan sát chúng ở vùng nước nông gần bờ.
Nhiều khả năng hành vi ăn khối cầu cá mồi của cá mập voi xảy ra thường xuyên hơn so với những thước phim ghi hình. Cá mập voi ở Ningaloo lao với tốc độ cao qua trung tâm của khối cầu cá mồi cũng như bơi thẳng đứng bên dưới, chủ yếu để xúc cá vào miệng. Cả hai chiến thuật đều đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn bơi chậm rãi với chiếc miệng há to.
Rạn san hô Ningaloo nổi tiếng với sự đa dạng sinh học. Cách thành phố Perth hơn 1.200 km về phía bắc, di sản thế giới này là nơi sinh sống của quần thể động vật ăn thịt tương đối nguyên vẹn. Trong thước phim của Cannon, kiếm ăn song song bên cạnh cá mập voi là các loài cá lớn khác như cá ngừ, cá khế, cá mập whaler, hải âu đuôi nhọn, mòng biển.
Cá mập voi có thể kiếm ăn một mình. Một đàn 7 con cá mập voi được ghi hình là một đàn cá trổng ở vịnh Tadjoura ngoài khơi Djibouti vào năm 2017. Hoạt động săn mồi ở Ningaloo xảy ra vào thời gian cá mập voi di cư đi nơi khác. Có thể đối với một số cá thể, lợi ích của việc ăn cá nhiều calo lớn hơn so với bơi đường dài để tìm con mồi nhỏ. Nhắm vào khối cầu cá mồi như các động vật ăn thịt khác có thể giúp cá mập voi tiết kiệm năng lượng.
Theo nhà sinh vật học hải dương Simon Pierce, bản thân cá mập voi có thể rượt đuổi cá nhỏ, nhưng chúng tương đối chậm và vụng về. Dường như chúng không thành công lắm khi tự săn mồi. Nhưng khi các động vật ăn thịt khác tấn công cá mồi, buộc chúng tụ lại thành khối cầu để tự vệ, cá mập voi có thể tranh thủ ăn nhiều cá nhất nhờ chiếc miệng rộng nhất.
Miệng của cá mập voi rộng tới 1,5 mét. Tuy nhiên, những con chim biển trong video của Cannon không gặp nguy hiểm. Dù có khoảng 300 hàng răng nhỏ, cá mập voi không nhai. Cổ họng của chúng chỉ rộng bằng quả bưởi nên không thể nuốt con mồi lớn như hải âu.