Nhiều giả thiết hiện tượng tái dương tính sau khi khỏi nCoV

Các chuyên gia cho rằng hiện tượng dương tính nCoV sau khi hồi phục có thể do virus tái hoạt động trong cơ thể hoặc người bệnh gặp vấn đề với hệ miễn dịch. 

Cuối tháng 2, giới chức y tế Hàn Quốc ghi nhận nhiều người khỏi Covid-19 xét nghiệm dương tính trở lại. Chỉ trong vài tuần, số ca này tăng lên đều đặn, trở thành một xu hướng rõ ràng.

Tính đến ngày 17/4, ít nhất 141 trường hợp tái dương tính, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC). Hầu hết bệnh nhân sống ở tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang, hai tâm dịch đầu tiên của cả nước. Trong số đó, 55 người từ 20 đến 30 tuổi.

"Trong dịch SARS và MERS, chúng tôi không ghi nhận bệnh nhân dương tính trở lại sau khi hồi phục hoàn toàn. nCoV dường như có độc lực cao và diễn biến khó lường hơn", Kwon Jun-wook, phó giám đốc KCDC, nhận định.

Dù chỉ chiếm một lượng nhỏ trong số 7.500 người xuất viện, hiện tượng này vẫn đặt ra những câu hỏi quan trọng đối với Hàn Quốc và giới chức y tế công cộng toàn cầu.


Nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm Y tế Dongsan ở Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: AP).

Theo các nhà khoa học, bệnh nhân tái dương tính có thể do khả năng xét nghiệm của quốc gia, sự gián đoạn trong quá trình đào thải virus hoặc nghiêm trọng hơn, nCoV "sống lại" sau một thời gian bị bất hoạt.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu xu hướng này có đồng nghĩa với khả năng tái lây lan nCoV trên thực tế hay không. Bởi nếu có, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển vaccine. Các tài liệu y khoa trước đó đều cho thấy người nhiễm virus corona có kháng thể ít nhất một năm sau khi hồi phục.

Jeong Eun-kyeong, giám đốc KCDC, là một trong số những người ủng hộ giả thiết nCoV "sống lại". Ông đề cập đến hiện tượng "ngủ đông" (hibernate), tức là virus bất hoạt ở một số bộ phận trong cơ thể người, nhưng vẫn hoạt động ở các phần còn lại. Cụ thể, Ebola có thể lây truyền qua đường tính dục sau khi người bệnh đã hồi phục. Virus thủy đậu tái phát nhiều năm sau khi mắc dưới dạng bệnh zona thần kinh. Hiện KCDC chưa có kết luận cuối cùng.

Kim Woo-joo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Hàn Quốc, cho biết cũng có khả năng virus đã đột biến, bởi các đợt tái phát ngày càng rõ ràng.

"Khoảng 1/5 trong số họ là những người khỏe mạnh với hệ miễn dịch tốt. Nhưng họ vẫn có kết quả dương tính trở lại sau khi đã hồi phục lần đầu. Các chuyên gia đang xét nghiệm mẫu máu để xác định bệnh nhân tái nhiễm do hệ thống miễn dịch có vấn đề hay virus đã biến chủng để phá vỡ phòng tuyến này", ông Kim nói.

Dù KCDC chưa chính thức công bố số liệu, mối quan tâm chính của các chuyên gia y tế công cộng là hiện có bao nhiêu người biểu hiện triệu chứng khi dương tính lần hai. Ít nhất một trường hợp được báo cáo sốt nhẹ. Nhà chức trách đến nay không ghi nhận bệnh nhân nào lây nhiễm cho người khác.

William Schaffner, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Y khoa Vanderbilt, Mỹ, cho biết: "Điều này đặt ra câu hỏi về phương pháp điều trị. Liệu nó có thực sự chữa khỏi căn bệnh không, hay chỉ giúp bệnh nhân cảm thấy khá hơn mà không loại bỏ được hoàn toàn virus khỏi cơ thể".

Theo ông, nếu thật sự tái phát, căn bệnh sẽ tạo ra sức ép lên hệ thống y tế vốn đã "gồng mình" suốt từ đầu mùa dịch. Các y bác sĩ cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của bệnh nhân sau khi xuất viện, xác định khả năng dương tính lần hai càng sớm càng tốt và điều trị đúng cách.

"Có thể chúng ta quá chú trọng vào giai đoạn cấp tính và bỏ qua việc theo dõi bệnh nhân", ông Schaffner nói.


Nhân viên y tế Hàn Quốc đang lấy mẫu xét nghiệm nCoV. (Ảnh: AFP).

Tái dương tính nCoV cũng có thể xuất phát từ hệ miễn dịch của bệnh nhân. "Thông thường, hai đến ba tuần sau khi nhiễm virus, cơ thể tự tạo kháng thể. Song điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Ví dụ khoảng 5% những người được tiêm vaccine viêm gan B không sinh kháng thể trong máu. Một số bệnh nhân mắc Covid-19 cũng vậy, họ không tự có miễn dịch để chống lại tác nhân gây bệnh", ông Kim Woo-joo giải thích.

Giả thiết khác, ít nghiêm trọng hơn, là xét nghiệm sau hồi phục chỉ phát hiện những "tàn dư" của virus. Chúng đã bị bất hoạt và không có khả năng lây nhiễm. Bệnh nhân lúc này là những "người lành mang trùng".

"Theo suy đoán của tôi, các trường hợp này không tái phát thực sự mà chỉ mang mầm bệnh còn sót lại, giống với bệnh nhân cúm. Như vậy nó không ảnh hưởng đến quá trình điều trị và công tác dập dịch", giáo sư Hsu Li Yang, Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Trong khi đó Ian Frazer, nhà miễn dịch học tại Queensland, Australia, cho biết chi tiết quan trọng chưa có lời giải là khoảng thời gian từ hồi phục cho đến khi tái dương tính của các bệnh nhân. Giới chức Hàn Quốc cho biết nhiều bệnh nhân tái dương tính ngay sau khi xuất viện.

Các chuyên gia đều nhận định hiện còn quá sớm để kết luận về tình hình ở Hàn Quốc. Nhiều người dự đoán các dữ liệu sau khi thử nghiệm đại trà sẽ là câu trả lời xác đáng cho vấn đề này.

Cập nhật: 18/04/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video