Phi hành gia này nhận định, nếu càng nhiều người trải qua cảm giác như ông thì rất nhiều vấn đề của thế giới và nhân loại sẽ được giải quyết.
62 năm về trước trước, YuriGagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ và có lẽ là người đầu tiên trải nghiệm cái mà các nhà khoa học ngày nay gọi là "hiệu ứng toàn cảnh". Hiện tượng này xảy ra khi một người nhìn thấy cả địa cầu từ ngoài không gian và nhận thấy rằng, họ đã ở nơi "biên giới là vô hình, các xung đột về chủng tộc, tôn giáo và kinh tế cũng không còn nghĩa lý".
Hiệu ứng toàn cảnh khiến một người nhận ra những mâu thuẫn của con người với nhau dường như vô cùng nhỏ nhặt và thấy được hành tinh này bằng bản chất của nó, một sinh thể được liên kết chặt chẽ.
Hiệu ứng toàn cảnh khiến một người nhận ra những mâu thuẫn của con người dường như thật nhỏ bé.
Trong một cuộc phỏng vấn đầy hấp dẫn với Big Think, phi hành gia, tác giả và nhà nhân đạo Ron Garan nhận định rằng, nếu nhiều người trong chúng ta có được hiệu ứng này, chúng ta có thể khắc phục được phần lớn những gì đang gây tổn hại cho nhân loại và hành tinh.
Garan đã trải qua 178 ngày trong không gian và di chuyển hơn 114 triệu km trên tổng số 2.842 vòng quỹ đạo. Từ trên cao, ông nhận ra hành tinh này mỏng manh hơn ông tưởng rất nhiều.
"Khi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ Trạm vũ trụ quốc tế, tôi thấy những cơn bão sét lóe lên như đèn flash của cánh săn ảnh, tôi thấy những tấm màn cực quang nhảy múa dường như rất gần đến mức chúng tôi có thể đưa tay ra và chạm vào chúng. Và tôi đã thấy bầu khí quyển mỏng đến mức khó tin của hành tinh chúng ta. Vào khoảnh khắc đó, tôi chợt nhận ra rằng chính lớp mỏng như tờ giấy đó giữ cho mọi sinh vật sống trên hành tinh của chúng ta tồn tại", Garan nói trong video.
Bức ảnh "Đốm xanh mờ" huyền thoại được chụp bởi Tàu thăm dò Voyager 1 là lời nhắc mạnh mẽ về sự nhỏ bé, cô độc của Trái đất giữa vũ trụ bao la.
"Tôi nhìn thấy một sinh quyển óng ánh tràn đầy sự sống", ông tiếp tục. "Tôi không nhìn thấy nền kinh tế. Nhưng vì cấu trúc xã hội nhân tạo của chúng ta coi mọi thứ, bao gồm cả hệ thống hỗ trợ sự sống trên hành tinh, là những đơn vị con thuộc sở hữu hoàn toàn của nền kinh tế toàn cầu, nên rõ ràng từ góc nhìn rộng mở ngoài không gian là chúng ta đang sống trong một sự lừa dối".
Một sự lừa dối đến từ việc đánh giá chưa đúng các ưu tiên của mình, theo Garan.
"Chúng ta cần chuyển ưu tiên từ 'kinh tế - xã hội, rồi mới tới hành tinh' thành 'hành tinh, xã hội, rồi mới đến kinh tế'. Đó mới là lúc chúng ta tiếp tục quá trình tiến hóa của mình", ông nói thêm.
Garan nói rằng nền văn minh nhân loại đang phải trả một cái giá đắt vì không có khả năng phát triển quan điểm ưu tiên hành tinh hơn và đó là lý do chính khiến chúng ta không giải quyết được nhiều vấn đề của mình. Mặc dù hoạt động kinh tế của chúng ta có thể cải thiện chất lượng cuộc sống ở một khía cạnh nào đó, nhưng nó cũng là thảm họa đối với chính hành tinh đang duy trì sự sống của chúng ta.
Nam diễn viên William Shatner cũng có trải nghiệm tương tự như Gagarin khi ông du hành vào vũ trụ.
Shatner viết: "Đó là một trong những cảm giác đau buồn mạnh mẽ nhất mà tôi từng gặp phải. Sự tương phản giữa cái lạnh khắc nghiệt của không gian và sự nuôi dưỡng ấm áp của Trái đất bên dưới khiến tôi vô cùng buồn bã. Mỗi ngày, chúng ta phải đối mặt với nhận thức về sự hủy diệt Trái đất hơn nữa dưới bàn tay của chúng ta: sự tuyệt chủng của các loài động vật, hệ thực vật và động vật… những thứ đã mất 5 tỷ năm để tiến hóa và đột nhiên chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại chúng nữa vì sự can thiệp của loài người".
Cuối cùng, phi hành gia hy vọng rằng chúng ta có thể cùng nhau thay đổi tương lai và bảo vệ hành tinh quý giá này. "Khi chúng ta có thể phát triển vượt ra ngoài tư duy hai chiều chúng ta-chúng nó và nắm bắt thực tế đa chiều thực sự của vũ trụ mà chúng ta đang sống, đó là lúc chúng ta sẽ không còn trôi nổi trong bóng tối nữa… và đó là tương lai mà tất cả chúng ta đều muốn trở thành một phần trong đó. Đó là lời kêu gọi thực sự của chúng tôi".