Hươu mẹ không nhận ra tiếng con

  •  
  • 565

Các chú hươu con rất mau mắn nhận ra tiếng mẹ gọi, nhưng chính các bà mẹ hoang dã này lại chẳng thể nhận ra con mình nếu chỉ dựa vào tiếng kêu, một phát hiện mới đây cho biết.

Hươu mẹ không nhận ra tiếng con

(Ảnh: americazoo.com)

Sử dụng các đoạn băng ghi âm và phát lại trong những thí nghiệm trên loài hươu Thuỵ Sĩ hoang dã, các nhà nghiên cứu nhận thấy những con hươu cái trưởng thành có tiếng gọi rất riêng biệt, nhưng hươu con thì không. Vì thế, dù hươu con có phân biệt được giọng của mẹ nó trong vô vàn giọng của các bà mẹ khác, thì một con hươu mẹ không thể nào biết đâu là tiếng kêu khóc của con mình.

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng hệ thống một chiều này được hình thành do hươu sống trong môi trường điển hình với nhiều lùm cây bụi là nơi trú ẩn cho các chú hươu mới sinh - những sinh linh vụng về phải dựa vào mẹ nhiều tuần sau khi chào đời để sống sót.

Trong 2-3 tuần đầu đời, hươu con nằm ẩn mình và im lặng dưới tán cây. Các bà mẹ dành hầu hết thời gian trong ngày ở xa tổ của con, nhưng sẽ quay trở lại liên tục để chăm sóc nó.

Để biết đâu là nơi con ẩn náu, hươu mẹ tiến đến vị trí ước chừng hươu con đang nằm và kêu lên. Chú hươu con sẽ bước lại để tìm kiếm bữa ăn. Và giống như bài kiểm tra danh tính cuối cùng, hươu mẹ sẽ ngửi con vật bé nhỏ để biết chắc đó là con mình.

Ngược lại, con non của loài tuần lộc, họ hàng với hươu hoang Thuỵ Sĩ, lại hoạt bát ngay sau khi ra đời. Chúng có thể bám gót theo mẹ và cũng biết chạy xa khỏi kẻ thù.

Hươu hoang và tuần lộc vì thế thuộc về hai nhóm móng guốc khác nhau, mà các nhà sinh học tương ứng gọi là loài "giấu mình" và loài "bám gót", căn cứ vào chiến lược mà mỗi nhóm dùng để tránh kẻ thù.

"Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng điều kiện môi trường khác biệt ảnh hưởng đến chiến lược lẩn tránh kẻ thù và cũng tác động đến sự tiến hoá những cơ chế nhận diện mẹ con khác nhau", đồng tác giả nghiên cứu Alan McElligott từ Đại học Zurich cho biết.

T. An

Theo LiveScience, Vnexpress
  • 565