Nhóm nghiên cứu Trung Quốc "bắc loa cầu mưa" ở Tây Tạng

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một "chiếc loa" khổng lồ hướng lên bầu trời để kích thích sự tạo thành mưa ở một nơi khô hạn như Tây Tạng bằng âm thanh.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, sóng âm tần số thấp, mạnh có thể được sử dụng để kích hoạt mưa ở những khu vực hạn hán, South China Morning Post đưa tin.

Trong một thí nghiệm điều khiển thời tiết được thực hiện ở cao nguyên Tây Tạng năm ngoái, nhóm nghiên cứu cho biết họ đã ghi nhận lượng mưa tăng thêm 17% bằng cách đặt một "chiếc loa" khổng lồ hướng lên bầu trời.

"Tổng lượng hơi nước trong khí quyển hàng năm ở Trung Quốc là khoảng 20.000 tỷ tấn. [Nhưng] chỉ 20% hình thành mưa tự nhiên rơi xuống mặt đất và tỷ lệ chuyển đổi thành mưa ở các khu vực phía tây thậm chí còn nhỏ hơn", nhóm nghiên cứu do giáo sư Wang Guangqian đứng đầu, thuộc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Khoa học và Kỹ thuật Thủy văn ở Đại học Thanh Hoa, cho biết.

Năng lượng âm thanh có thể đã thay đổi vật lý đám mây, nhưng nguyên nhân của hiện tượng này sẽ cần được tìm hiểu thêm, các nhà nghiên cứu cho biết trong một bài viết đã qua bình duyệt, đăng trên tạp chí Scientia Sinica Technologica vào tuần trước.


Cao nguyên Tây Tạng là nơi khô hạn. (Ảnh: Fotolia).

Không giống các công nghệ tạo mưa khác, việc tạo ra âm thanh không gây ô nhiễm hóa chất và không cần đến "các phương tiện bay trên không như máy bay hoặc tên lửa", giáo sư Wang nói. "Và có khả năng điều khiển từ xa với chi phí thấp".

Thí nghiệm này có thể sẽ làm nóng thêm cuộc tranh luận lâu nay ở Trung Quốc về tính khả thi và tác động môi trường của các chương trình điều khiển thời tiết quy mô lớn.

Giáo sư Wang là người đề xuất dự án Sky River nhằm tăng lượng mưa ở Tây Tạng bằng cách ngăn chặn không khí ẩm ướt lưu thông ở vùng cao nguyên này. Một số người đã chỉ trích ông Wang lãng phí tiền thuế của người dân với dự án gây tranh cãi.

Những người khác nói rằng ngay cả khi phương pháp kích mưa bằng âm thanh có hiệu quả, việc này sẽ gây ra ô nhiễm tiếng ồn cho người dân và động vật sống tại khu vực.

"Chiếc loa" của ông Wang được trang bị động cơ diesel có khả năng nén hơn 30m3 không khí đến khoảng gấp 10 lần áp suất khí quyển ở mực nước biển. Sau đó, loa được sử dụng để phát ra âm thanh vào các đám mây ở tần số 50 hertz mà hầu hết tai người không thể cảm nhận được. Song âm lượng có thể lên tới 160 decibel, tức tương đương mức độ ồn của động cơ máy bay phản lực đang di chuyển ở vận tốc tối đa.

Khi sóng âm chạm tới đám mây - cách mặt đất khoảng 1.000m, sức mạnh của chúng sẽ giảm 30 decibel. Tín hiệu radar cho thấy nhiều giọt nước hơn đáng kể được hình thành dưới tác động âm thanh.

Giáo sư Wang và nhóm của ông tin rằng sự gia tăng này là do sự dao động và hợp nhất của các hạt nhỏ hơn thành những hạt lớn hơn.

Trong nghiên cứu, ở các khu vực nằm trong phạm vi hiệu quả của thiết bị - tức trong bán kính khoảng 500 m từ máy phát âm thanh, lượng mưa cao hơn từ 11 đến 17% so với các khu vực nằm ngoài.

Bất chấp những phát hiện trên, một nhà nghiên cứu từ Viện Vật lý Khí quyển thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết thí nghiệm kéo dài hai giờ của ông Wang sẽ phải được tiến hành nhiều lần để thu thập thêm dữ liệu.

Mặc dù từ lâu đã có suy đoán rằng lượng mưa có thể liên quan đến âm thanh - nhiều nền văn minh có hoạt động múa cầu mưa trong thời kỳ hạn hán, nhà nghiên cứu trên cho biết không có lý thuyết vật lý nào làm cơ sở cho ý tưởng này.

"Chủ đề này vẫn còn mang tính thần thoại nhiều hơn là khoa học", ông nói.

Cập nhật: 05/02/2021 Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video