Một nhà khảo cổ phát hiện hàng trăm bản khắc đá thời tiền sử ở Scotland với mục đích sử dụng chưa thể lý giải.
Bản khắc đá do Currie phát hiện ở trung tâm thành phố Perthshire, Scotland. (Ảnh: George Currie.)
Nhà khảo cổ học nghiệp dư George Currie ở Dundee, Scotland, tìm thấy hơn 670 bản khắc đá thuộc thời kỳ Đồ đồng và Đồ đá mới, theo Guardian trong quá trình tìm kiếm suốt 15 năm qua ở thành phố Perthshire.
Currie quan tâm đến khảo cổ học trong thời gian dài, nhưng niềm đam mê nghệ thuật trên đá của ông bắt đầu sau khi ông phát hiện bản khắc đá kỳ lạ có kích thước hai mét chưa được ghi chép tại một địa điểm khảo cổ.
Những khám phá của Currie sẽ nằm trong dự án nghiên cứu lớn nhất về nghệ thuật đá thời tiền sử ở Anh kéo dài 5 năm, bắt đầu từ năm 2017. Dự án này được chủ trì bởi tổ chức Môi trường Lịch sử Scotland (HES) dưới sự chỉ đạo của Tertia Barnett, tiến sĩ tại Đại học Edinburgh, Scotland.
Giới khảo cổ phát hiện hơn 2.500 phiến đá chạm khắc ở Scotland, có niên đại từ năm 4000 đến năm 2000 trước Công nguyên. Hầu hết bản khắc đá có vết lõm trên bề mặt, xung quanh là những vòng tròn đồng tâm với đường hoặc rãnh mở rộng.
Mục đích và ý nghĩa ban đầu của các bản khắc đá cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Nhiều học giả suy đoán chúng được dùng để đánh dấu lãnh thổ, biểu tượng sinh sản, dấu hiệu thiên văn, hoặc chỉ đơn giản là hình vẽ nguệch ngoạc của người tiền sử.