Những bản sao AI giúp "hồi sinh" người đã chết

Công nghệ AI phát triển có thể tạo ra những bản sao thay người đã chết sống tiếp, trò chuyện với người thân hay thậm chí điều hành công ty.

Chuyện gì xảy ra nếu Abraham Lincoln có thể phát biểu trước quốc hội Mỹ ngày nay? Hoặc cụ tổ của một gia đình có thể cùng con cháu xử lý việc trong nhà?


Minh họa bản mô phỏng con người do công nghệ tạo nên. (Ảnh: Chase Voorhees/Wall Street Journal)

Các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đang bắt đầu suy nghĩ về việc trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra những bản sao của người đã khuất - không phải bản sao tĩnh mà là các thực thể kỹ thuật số sống động có khả năng trò chuyện với người thân, thậm chí tham gia điều hành công ty.

Nhiều startup dự đoán nhu cầu về người kỹ thuật số sẽ ngày càng tăng và phát triển những chương trình phục vụ cho nhu cầu này, ví dụ như Replika, ứng dụng với khả năng bắt chước một người dưới dạng chatbot (ứng dụng trò chuyện) và HereAfter AI, ứng dụng ghi lại các câu chuyện trong cuộc sống của mọi người và sử dụng chúng để tạo ra một bản sao tích hợp trong một chiếc loa thông minh.

Ngay cả những ông lớn công nghệ dường như cũng công nhận tiềm năng của điều này. Cuối năm 2020, Microsoft đã được cấp bằng sáng chế cho một phương pháp tạo ra chatbot phỏng theo một người cụ thể tồn tại trong quá khứ hoặc hiện tại, ví dụ như bạn bè, người thân, người quen, người nổi tiếng, nhân vật hư cấu hoặc nhân vật lịch sử.

Lợi ích từ những nhân vật kỹ thuật số bất tử

Các nhân vật kỹ thuật số tồn tại dưới nhiều dạng, từ chatbot, robot cơ điện tử cho đến những hình chiếu có thể cử động và nói chuyện như thật. AI thường đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng và đào tạo chúng tương tác với con người.

Hình chiếu dạng ảnh nổi ba chiều của các nghệ sĩ âm nhạc đã khuất như Roy Orbison và Tupac Shakur, đã trình diễn trên sân khấu từ vài năm trước. Năm 2020, Joshua Barbeau, người đàn ông Canada 33 tuổi, sử dụng website có tên Project December để tạo ra một chatbot mô phỏng vị hôn thê đã mất của mình, Jessica Pereira, và trò chuyện với nó.

Khi các nhân vật kỹ thuật số trở nên giống thật hơn, chúng có thể học hỏi và tiến hóa vượt khỏi cái chết của bản gốc, thích ứng với những sự kiện mới. Điều đó sẽ tạo nên nhân vật kỹ thuật số bất tử - không chỉ bảo tồn nhân cách mà còn sống tiếp ở dạng ảo.


Những bức ảnh của Joshua Barbeau và Jessica Pereira trong khung ảnh ở nhà Barbeau. (Ảnh: Chloe Ellingson/San Francisco Chronicle)

Những nhân vật bất tử như vậy có thể tiếp tục tương tác với gia đình, bạn bè và con cháu rất lâu sau khi họ qua đời, đồng thời cung cấp thông tin cho nghiên cứu lịch sử và gia phả. Chúng cũng có thể được sử dụng trên các tàu vũ trụ khám phá không gian với khả năng bay xa và lâu hơn bất cứ người bình thường nào, David Burden, CEO của Daden - công ty Anh chuyên chế tạo chatbot - chia sẻ với tờ Wall Street Journal.

Burden cho biết, những người đang sống có thể sử dụng bản sao kỹ thuật số của chính mình để gửi email và trò chuyện với đồng nghiệp, nhờ đó hoàn thành nhiều công việc hơn, hoặc sử dụng bản sao để tiếp quản khi họ đi nghỉ. Ông cũng chỉ ra khả năng một CEO như Elon Musk có thể sẽ muốn sử dụng nhân vật kỹ thuật số để quản lý công ty sau khi qua đời.

"Những người sáng lập các tổ chức và doanh nghiệp có thể không thực sự muốn từ bỏ quyền kiểm soát. Vậy tại sao không trao quyền cho một thứ sẽ tiếp tục phát triển doanh nghiệp theo hướng phù hợp với suy nghĩ của mình?", Burden nói.

Mặt trái của sự hồi sinh

Các nhân vật ảo không phải bản sao hoàn hảo vì thường dựa trên lời nói, bài viết, bài đăng trên mạng xã hội và nhiều nguồn khác mà không nhất thiết thể hiện đúng bản chất của một người. Nhân vật kỹ thuật số được tạo ra bằng AI sẽ không có ý thức.

Xã hội có thể phải vật lộn với những câu hỏi về việc ai là chủ sở hữu hình ảnh đại diện của một người đã khuất và khoản thu nhập mà nó tạo ra. Nhân vật ảo nên có những quyền gì? Sự tồn tại của chúng có đồng nghĩa với việc mọi người sẽ không hoàn toàn đau buồn trước sự ra đi của bạn bè hay người thân mà chúng mô phỏng hay không?

Nhân vật ảo cũng có thể được tạo ra mà người gốc không cho phép hoặc hoàn toàn không biết, miễn là có đủ dữ liệu công khai để đào tạo cho AI bắt chước người đó. Các nhân vật trong quá khứ có thể được hồi sinh dù muốn hay không.

Bản sao chất lượng cao của người nổi tiếng hoặc chính trị gia có thể giúp họ gây ảnh hưởng đến các sự kiện trong tương lai và định hình thế giới, kể cả sau khi họ qua đời. Davide Sisto, nhà triết học tại Đại học Turin (Italy), hy vọng rằng sẽ không xảy ra chuyện một chính trị gia có bản sao ảo và tiếp tục điều hành vô thời hạn sau khi người gốc qua đời.


Nhân vật kỹ thuật số có thể gây ra nhiều rắc rối trong thế giới thực. (Ảnh: Pinkeyes)

Một vấn đề khác là ai sẽ chịu trách nhiệm cho hành vi của nhân vật kỹ thuật số, nhất là trong trường hợp nó gây ra hậu quả tiêu cực? Các chuyên gia AI trả lời câu hỏi hóc búa này với hai cách tiếp cận chính. Thứ nhất, trách nhiệm thuộc về những người tham gia thiết kế và phát triển hệ thống AI nếu họ làm vậy theo sở thích và thế giới quan của mình. Thứ hai, các hệ thống học máy phụ thuộc vào ngữ cảnh, do đó, trách nhiệm đạo đức với hành vi của chúng nên được phân bổ cho mọi tác nhân tương tác với chúng.

Sara Suárez-Gonzalo, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Oberta de Catalunya (Tây Ban Nha), nghiêng về phương án thứ nhất hơn. Trong trường hợp chatbot của Jessica, các bên liên quan gồm công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI, lập trình viên Jason Rohrer và Joshua Barbeau. Website Project December do Rohrer phát triển dựa trên GPT-3, mô hình ngôn ngữ có thể tạo dựng văn bản của OpenAI.

Rất khó để buộc OpenAI phải chịu trách nhiệm vì công ty này đã cấm một cách rõ ràng việc sử dụng hệ thống cho các mục đích tình dục, tình ái, tự làm hại bản thân hoặc bắt nạt, Suárez-Gonzalo chia sẻ với tờ Conversation. Trong khi đó, Rohrer và Barbeau sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn.

Thận trọng khi tạo bản sao kỹ thuật số

Có thể sẽ cần thêm một thời gian dài trước khi các bản sao thực sự thuyết phục xuất hiện phổ biến. Một nhân vật mô phỏng Maggi Savin-Baden, giáo sư tại Đại học Worcester (Anh), được chế tạo vào năm 2020. Nhân vật kỹ thuật số này gồm đầu và vai với giọng nói phát ra từ một chatbot.

Savin-Baden đã nhờ những người trong giới chuyên môn và không biết mình, thử tương tác với bản sao và cả với người thật. Kết quả, không phải ai cũng bị lừa. "Họ nói rằng một số phần thực sự giống tôi, nhưng những phần khác thì không giống chút nào", bà chia sẻ.

Theo Suárez-Gonzalo, việc phát triển một phiên bản kỹ thuật số của người chết nên đáp ứng những điều kiện nhất định. Đầu tiên, cả người được mô phỏng lẫn người tùy chỉnh và tương tác với bản sao phải tự nguyện đồng ý về một bản mô tả chi tiết nhất có thể về việc thiết kế, phát triển và sử dụng bản sao. Thứ hai, việc phát triển và sử dụng không tuân theo những gì người được mô phỏng đồng ý hoặc đi ngược lại phẩm giá của họ đều bị cấm. Cuối cùng, những người liên quan đến quá trình phát triển bản sao và những người thu lợi từ nó phải chịu trách nhiệm về hậu quả tiềm ẩn.

Cập nhật: 11/06/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video