Ngày 25/5 (giờ Mỹ tức 26/5 giờ VN) tàu vũ trụ không người lái thám hiểm Sao Hỏa mang tên Mars Phoenix Lander (Tàu Phượng hoàng đổ bộ Sao Hỏa) của Hoa Kỳ đã đổ bộ thành công lên cực bắc của Sao Hỏa.
> Tàu thăm dò 'Phoenix' và nỗi lo thất bại
Vị khách đường xa của Sao Hỏa
Để đến được Sao Hỏa, tàu Phượng hoàng đã phải di chuyển trong vũ trụ mất thời gian 10 tháng sau một cuộc hành trình dài 680 triệu km từ Trái Đất. Tàu đổ bộ này được trang bị một cánh tay máy để đào lấy mẫu đất và nước đóng băng ở độ sâu khoảng 1 m.
Chương trình thám hiểm của Tàu đổ bộ Sao Hỏa Phượng hoàng trị giá 420 triệu USD do Đại học Arizona, Hoa Kỳ, chủ trì và Phòng Thí nghiệm lực đẩy của NASA quản lý. |
Từ lúc đổ bộ thành công, tàu Phượng hoàng cần vài ngày để mở xong hoàn toàn cánh tay máy mới sẵn sàng cho việc đào lấy đất và nước đóng băng.
Tiếp đó, tàu Phượng hoàng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khoa học trong thời gian 3 tháng trên Sao Hỏa.
Mục đích chính của tàu Phượng hoàng là phân tích lớp đất và nước đóng băng trên bề mặt Sao Hỏa.
Theo kết quả phân tích các thông tin từ các tàu thám hiểm bay quanh quĩ đạo Sao Hỏa gửi về, các nhà khoa học tin rằng hiện đang tồn tại một lớp nước đóng băng ở dưới lớp đất đá bề mặt Sao Hỏa chỉ khoảng 10 cm hoặc mỏng hơn. Nước là thành phần quan trọng mang tính chất quyết định để hình thành nên sự sống.
Trung tâm vũ trụ NASA cho biết, các chuyên gia trong phòng điều khiển tàu Phượng hoàng tại California đã nhận được tín hiệu từ tàu thám hiểm này lúc 6 giờ 53 phút sáng 26/5 (giờ Hà Nội) báo tin tàu đã đổ bộ thành công xuống cực bắc của Sao Hỏa đúng như kế hoạch.
Cuộc đổ bộ đầy mạo hiểm
Trước khi đổ bộ xuống bề mặt Sao Hỏa, tàu Phượng hoàng đã phải trải qua 7 phút thử thách khắc nghiệt khi phải xuyên qua tầng khí quyển mỏng của Hành tinh Đỏ.
Trong quá trình đổ bộ này, để đảm bảo rơi nhẹ nhàng xuống bề mặt Sao Hỏa, tàu Phượng hoàng phải giảm dần tốc độ mà nó đang bay trong vũ trụ từ vận tốc 21.000 km/giờ xuống tốc độ của người đi bộ.
Khi còn cách bề mặt Sao Hỏa một khoảng cách nhất định, tàu Phượng hoàng đã tự động bung ra một cái dù để chuẩn bị đáp xuống Hành tinh Đỏ.
Hệ thống phản lực đẩy ngược lên giúp cho tàu Phượng hoàng giảm tốc độ rơi xuống còn vài mét/giây, tức là tương đương với tốc độ của người đi bộ nhanh.
Khi chỉ còn cách bề mặt Sao Hỏa vài mét, tàu Phượng hoàng bật ra 3 chân chống như kiềng 3 chân có đế cao su để đứng vững trên lớp đất đá của bề mặt Sao Hỏa.
Ảnh chụp vị trí 1 trong 3 chân của tàu Phượng Hoàng đặt xuống bề mặt Sao Hỏa. (Ảnh: NASA) |
Những bức ảnh lịch sử từ Sao Hỏa
Tại trung tâm điều khiển ở California, các chuyên gia theo dõi quá trình đổ bộ của tàu thám hiểm Phượng hoàng nhờ các tín hiệu vô tuyến điện mà vệ tinh Odysey hiện đang bay quanh quĩ đạo Sao Hỏa nhận từ tàu Phượng hoàng rồi chuyển tiếp về Trái Đất.
Sau khi tàu Phượng hoàng đổ bộ an toàn xuống bề mặt Sao Hỏa, các nhà khoa học phải chờ đợi 2 tiếng đồng hồ mới nhận được những bức ảnh lịch sử đầu tiên do con tàu này truyền về Trái Đất.
Loạt ảnh đầu tiên con tàu thám hiểm này truyền từ Sao Hỏa gồm hơn 40 bức ảnh đen trắng.
Những bức ảnh này cho phép các nhà khoa học kiểm tra các thông tin về hệ thống máy móc của tàu Phượng hoàng để khẳng định không phải tất cả mọi thiết bị trên tàu thám hiểm đều hoạt động tốt.
Ví dụ, một bức ảnh cho thấy vài tấm pin Mặt Trời đã không được mở ra đúng như kế hoạch do bụi bám nhiều.
Bức ảnh khác cho thấy tàu Phượng hoàng đã đỗ xuống bề mặt Sao Hỏa trong tư thế tương đối cân bằng, chỉ nghiêng một chút với góc nghiêng ¼ độ.
Bức ảnh nữa cho thấy vị trí đổ bộ của tàu Phượng hoàng là địa điểm trên một thung lũng rộng, bề mặt tương đối bằng phẳng, chỉ có nhấp nhô những tảng đá nhỏ. Vị trí này ở gần cực bắc của Sao Hỏa tương tự như vị trí đảo Greenland trên biển Arctic hay miền bắc bang Alaska, Hoa Kỳ.
Những bức ảnh cho thấy vị trí đổ bộ của tàu Phượng hoàng là địa điểm trên một thung lũng rộng, bề mặt tương đối bằng phẳng, chỉ có nhấp nhô những tảng đá nhỏ. (Ảnh: NASA) |