Viện Năng lượng Nguyên tử đang thực hiện báo cáo đầu tư xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân để trình hội đồng thẩm định Nhà nước, sau đó, sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2009. Chính phủ cũng đã quyết định xây dựng gấp đôi công suất nhà máy điện hạt nhân đầu tiên lên 4.000MW với số đầu tư gần 6 tỷ USD...
Ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ có 4 tổ máy, ở hai vị trí khác nhau với đầu tư gần 6 tỷ USD... Theo kế hoạch, năm 2015, sẽ khởi công xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân và đưa vào hoạt động năm 2020. Việc này sẽ đưa điện hạt nhân chiếm 20% sản lượng điện trên toàn quốc.
Việt Nam sẽ là chủ đầu tư, thu hút nguồn vốn bằng cách vay trả chậm và đơn vị trúng thầu sẽ phải cho vay một phần.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử hạt nhân Vương Hữu Tấn cũng cho biết, địa điểm ưu tiên xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân này tại 2 xã của tỉnh Ninh Thuận là: xã Phước Vinh - huyện Ninh Phước và xã Vĩnh Hải - huyện Ninh Hải. Khoảng cách của hai nhà máy điện hạt nhân này là 40km, nên không gây ảnh hưởng gì.
Sơ đồ nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước - tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Tiền Phong) |
Hơn nữa, do các tỉnh phía Nam có nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn, lại thiếu các nhà máy sản xuất điện, nên xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận thuận lợi cho việc cung cấp điện và giảm thiểu tiêu hao điện.
Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở các địa điểm khác cần phải có thời gian nghiên cứu; VN không chỉ có 4 tổ máy này mà còn phát triển nhiều nhà máy điện hạt nhân khác nữa.
Hiện nay, Viện Năng lượng Nguyên tử hạt nhân đang làm báo cáo đầu tư xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân này trình hội đồng thẩm định Nhà nước; sau đó tháng 5/2009 trình Quốc hội.
Mặc dù Việt Nam đang thiếu điện nhưng Viện trưởng Vương Hữu Tấn cho rằng chưa thể đẩy tiến độ của dự án điện hạt nhân lên sớm hơn. Bởi, để xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị cơ bản về cơ sở hạ tầng, luật pháp, nhân lực, công nghiệp, khoa học công nghệ, địa điểm, an toàn, lưới điện, tài chính... Do vậy, đến năm 2020, Việt Nam mới có điện hạt nhân.
Ngọc Huyền