Hàng nghìn chiếc hố trên đá tạo thành một dải ở Peru có thể là sản phẩm của một nền văn minh thời cổ đại.
Các lỗ bí ẩn ở Thung lũng Pisco, Peru. (Ảnh: Gaspar Abrilot/Wikimedia Commons)
Các nhà khoa học phát hiện khoảng 6.900 hố được chạm khắc vào đá, tạo thành dải kéo dài hơn 1,6km trên địa hình đồi núi hiểm trở. Phát hiện này được ghi nhận ở thung lũng Pisco, Peru.
Epoch Times cho hay, những chiếc hố có chiều rộng xấp xỉ một mét, sâu từ một đến hai mét. Phần lớn chúng được xếp thành hàng, trong khi một số khác xếp so le với nhau. Một số hố khá nông và dường như vẫn chưa hoàn thiện.
Theo ước tính của các nhà khoa học, dải hố dài có thể được hình thành qua nhiều thập kỷ. Cư dân địa phương không biết ai đã tạo ra chúng, cách tiến hành và lý do của công việc này.
Một số người tin rằng chúng là những ngôi mộ thẳng đứng để chôn cất người chết, nhưng không có bất kỳ xương, hiện vật, hoặc thi hài nào gần đó. Theo giả thiết của nhiều nhà khảo cổ, hố dùng để lưu trữ ngũ cốc và vật phẩm cần thiết khác. Tuy nhiên trên thực tế, người dân có thể xây dựng thùng chứa hạt dễ dàng hơn so với việc chạm khắc vào đá.
Dải hố bên trái và tàn tích của một nền văn minh bên phải trong ảnh Googlemaps. (Ảnh: Googlemaps)
Cách dải lỗ khoảng vài km về phía đông, giới nghiên cứu xác định tàn tích của một nền văn minh cổ xưa qua hình ảnh vệ tinh. Dù khu vực này không được coi là vị trí của một nền văn minh cụ thể nào, nó có những đặc điểm giống tàn tích của Machu Picchu.