Sự gắn kết giữa con người và loài lợn đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Thuở đầu, con người đem giống lợn lòi hoang dã về thuần phục và nuôi dưỡng để chúng trở nên phù hợp hơn với môi trường trang trại. Kể từ đó, loài vật mũm mĩm đáng yêu này đã góp phần ghi dấu ấn trong lịch sử của chúng ta.
Lợn thông minh hơn ta tưởng!
Vẻ ngoài hiền lành cùng đặc tính háu ăn đã khiến loài lợn từ lâu chịu tiếng khù khờ. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận rằng lợn là một loài động vật thông minh và cảm xúc phong phú. Chúng có thể ghi nhớ những điều được dạy dỗ và là giống vật nuôi trung thành.
Bức vẽ mô tả buổi biểu diễn của “Wonder Pig” – chú lợn thông minh đầu tiên được biết đến. Ảnh: Wikipedia.
Không ít người đã quyết định huấn luyện lợn để kiểm chứng chúng thông minh đến mức nào. Samuel Bisset ở Scotland là một trong số những người tiên phong “giáo dục” lợn. Sau 16 tháng học hành chăm chỉ, chú lợn “Wonderful Pig” của ông Bisset đã biết đánh vần chữ cái, biết tính tiền, đọc thời gian trên đồng hồ cùng với nhiều trò khác không kém phần phi thường.
Lợn tranh cử tổng thống, thị trưởng
Thập niên 1960 chứng kiến một sự bùng nổ về thay đổi văn hóa ở Mỹ. Năm 1968, các thành viên Đảng Thanh niên Quốc tế (Yippies) đã tìm ra ứng cử viên đại diện cho đảng của để tranh cử tổng thống. Đáng chú ý, ứng cử viên này là một chú lợn tên Pigasus. Không may, ngay tại buổi vận động đầu tiên, Pigasus cùng với bảy thành viên Yippies đã bị bắt. Bảy người này phải hầu tòa song số phận của Pigasus thì không ai biết rõ. Có tin đồn rằng “ứng cử viên” này đã bị một cảnh sát mổ thịt.
“Ứng cử viên” bốn chân Pigasus bị cảnh sát bắt. Ảnh: AFP.
Mới đây, năm 2015, chú lợn tên Giggles đã xuất hiện khắp các mặt báo nhờ tham gia tranh cử chức Thị trưởng thành phố Flint ở bang Michigan. Luật sư Michael Ewing - chủ của Giggles - đã lập ra kế hoạch trên sau khi đọc hồ sơ của những ứng cử viên năm đó: một người từng ngồi tù 19 năm vì tội giết người và một người từng bị buộc tội hành hung, phạm tội lái xe khi say rượu… Theo ông Ewing, Giggles có lý lịch ấn tượng và hồ sơ hình sự “sạch sẽ” hơn một số đối thủ. Nó không có tiền án tiền sự, rất ủng hộ lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên, chiến dịch của ông Ewing và Giggles đã dừng lại sau đó.
Chú lợn 19 triệu USD
Năm 1942, Chính phủ Mỹ đẩy mạnh thu ngân sách phục vụ chiến tranh bằng mọi giá. Mua trái phiếu chiến tranh chính là hình thức phổ biến để người dân ủng hộ đất nước. Một chú lợn cũng góp sức và thậm chí thu về 19 triệu USD.
Parker Neptune. Ảnh: Wikipedia.
Parker Neptune, hay còn gọi là Vua Neptune, sinh ra trong một đàn lợn gồm 12 con của trang trại Sherman Boner, Illinois. Chủ trang trại đã ủng hộ Neptune cho lực lượng Hải quân và dự định nướng nó để phục vụ buổi lễ bán trái phiếu. May thay nhà tuyển quân có tên Don C. Lingle đã nảy ra ý tưởng sáng suốt khác để thu về nhiều tiền hơn là bán đấu giá chú lợn.
Mặc áo choàng màu cờ Hải quân Mỹ, đội vương miện và đeo hoa tai, Vua Neptune được ông Lingle cùng người điều khiển chương trình đấu giá đưa đi khắp miền Nam Illinois để chào bán. Mỗi bộ phận trên cơ thể của Neptune đều được đem ra đấu giá, thậm chí cả tiếng kêu eng éc của chú cũng có lần kiếm được 25 USD. Vì quá nổi tiếng nên chẳng người mua nào đòi xẻ thịt Neptune để đem phần về. Sau cùng, số tiền mà Neptune và Lingle gây quỹ được lên tới 19 triệu USD tiền trái phiếu chiến tranh (tương đương hơn 250 triệu USD ngày nay) và số tiền này đã được dùng để đóng tàu chiến lớp Iowa mang tên USS Illinois.
Anh-Mỹ suýt chiến tranh vì một con lợn
Nền hòa bình giữa Mỹ và Anh có thời điểm quá mong manh. Năm 1859, chiến tranh lưỡng quốc nổ ra trên đảo San Juan nằm giữa Vancouver và bang Washington. Nguyên nhân khởi nguồn từ một con lợn.
Hiệp ước ký năm 1846 giữa Mỹ và Anh đã xác định đường biên giới giữa Mỹ và vùng sau này là Canada. Tuy nhiên, khu vực đảo San Juan còn chưa rõ ràng, cả người Mỹ và Anh đều sống ở đó.
Ngày 15/6/1859, chú lợn của một nông dân Anh chạy lạc vào mảnh đất của một người Mỹ. Khi bị ăn mất luống khoai tây, người nông dân Mỹ này đã bắn chết con lợn. Chủ con lợn đã khiếu kiện lên giới chức Anh nhằm ra lệnh bắt giữ người nông dân Mỹ. Người Mỹ này không chịu thiệt cũng kêu gọi quân đội Mỹ bảo vệ. Chỉ huy quân sự bang Oregon của Mỹ đã cử 66 binh sĩ đến San Juan, trong khi Anh lập tức điều ba tàu chiến xua đuổi họ. Căng thẳng quân sự đã leo thang đến sát bờ vực chiến tranh.
Ngày 10/8/1859, Anh triển khai năm tàu chiến gắn 70 khẩu đại bác cùng 2.140 binh sĩ đến áp đảo 461 lính Mỹ. Thị trưởng Vancouver khi đó yêu cầu Thiếu tướng Robert L. Baynes đem quân đổ bộ đảo San Juan song ông Baynes đã từ chối. Ông lý giải rằng “hai đất nước vĩ đại rơi vào chiến tranh vì một vụ tranh cãi xoay quanh con lợn” là điều ngớ ngẩn. Hai bên đều được lệnh đề cao cảnh giác song không nổ súng trước. Tranh cãi về chủ quyền đảo San Juan sau đó đã được ra phán xử và hòn đảo này được trao cho Mỹ.