Nữ hoàng Anh không có hộ chiếu vì nó được làm để nhân danh bà. Trong khi đó, để có hộ chiếu, công dân Thổ Nhĩ Kỳ phải chi khoảng 330 USD.
Những bất ngờ thú vị về cuốn "hộ chiếu điệp viên 007"
Cố thủ tướng Anh Magaret Thatcher từng được gợi ý mang hộ chiếu số 007 - vốn gắn liền với chàng điệp viên James Bond đình đám thế giới. Tuy nhiên bà đã từ chối. Người mang hộ chiếu 007 hiện tại ở Anh là Geoffrey Howe, người từng phụng sự dưới thời bà Thatcher.
Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị không cần hộ chiếu vì chúng được làm nhân danh bà, trong khi các thành viên khác trong Hoàng gia đều phải có.
Theo Bussiness Insider, nữ hoàng Anh còn có thêm nhiều đặc quyền khác như sở hữu toàn bộ số thiên nga ở sông Thames, lái xe không cần bằng lái... (Ảnh: PA.)
Anh, Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển là những nước có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Công dân các nước này có thể tới 174 quốc gia mà không cần xin visa trước (theo bảng xếp hạng của The Henley & Partners, công ty toàn cầu trong quy hoạch cư trú và quốc tịch).
Theo một nghiên cứu từ chuyên trang du lịch Skyscanner, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có giá làm hộ chiếu đắt nhất, khoảng 330 USD, trong khi hộ chiếu Swaziland rẻ nhất với 3,8 USD.
Năm 2014, người đàn ông được mệnh danh là có nhiều hình xăm nhất nước Anh bị từ chối cấp hộ chiếu mới. Nguyên nhân không phải vì việc xăm hình của anh, mà vì cái tên khá kỳ lạ: King of Ink Land King Body Art The Extreme Ink-Ite (tên gọi tắt là Body Art).
Nguyên tắc chụp ảnh chân dung làm hộ chiếu cũng khá khắt khe. Bạn phải nhìn thẳng vào ống kính (trừ trẻ con dưới 6 tuổi), không đội mũ (trừ khi vì mục đích tôn giáo), không mỉm cười và hở miệng. Trẻ em dưới một tuổi chụp ảnh hộ chiếu không cần mở mắt. Bàn tay của cha mẹ sẽ giữ đầu của trẻ được thẳng khi chụp ảnh nhưng nó không được phép xuất hiện trong khuôn hình.
Theo GoEuro, 20% số người được hỏi cho biết họ muốn có hộ chiếu Anh, trong trường hợp được cấp thêm một cuốn thứ hai khác với quốc gia mình đang sinh sống. 18% muốn có hộ chiếu Mỹ, 17% chọn Thụy Sĩ, 10% chọn Đức và 9% chọn Canada, Australia.