Không ít người sẽ thấy ngỡ ngàng khi biết, ngay cả điệp viên 007 nổi tiếng cũng chưa chắc được sở hữu những siêu công cụ gián điệp này.
>>> Tận mắt ngắm các công cụ gián điệp của CIA
Nếu bạn là một fan ưa thích serie phim “Điệp viên 007” chắc hẳn bạn sẽ biết đến những dụng cụ đặc biệt của đặc vụ James Bond. Chúng là các thiết bị được thiết kế giúp James hoàn thành tốt nhất có thể những nhiệm vụ được giao. Đặc biệt hơn, hầu hết chúng đều được ngụy trang dưới vỏ bọc là các vật dụng đời thường hàng ngày như kính, đồng hồ, bút bi...
Song nếu bạn cho rằng đó chỉ là công nghệ trên màn ảnh thì bạn đã lầm. Thực tế trong lịch sử, các nhà khoa học đã từng sáng chế ra những thiết bị gián điệp thậm chí còn "xịn" hơn của James Bond.
1. Súng thầu dầu tử thần
Chiến tranh Lạnh (cuối thập niên 40 - đầu thập niên 90 của thế kỷ XX) chính là thời kỳ hoàng kim của những công cụ gián điệp hiện đại. Trong gần nửa thế kỷ, rất nhiều thiết bị dành cho các đặc vụ, điệp viên được ra đời. Một trong số đó là khẩu súng sát thủ được mệnh danh là súng thầu dầu tử thần.
Mô hình súng thầu dầu tử thần
Đây là loại thiết bị được thiết kế dưới dạng bề ngoài một chiếc ô thông thường, nhưng tích hợp nòng súng phóng đạn chứa ricin - một hợp chất có trong hạt cây thầu dầu.
Ricin có trong hạt cây thầu dầu
Dù được coi là chất hóa học có tiềm năng điều trị bệnh ung thư song thực tế, ricin chứa hàm lượng độc tố rất cao, thậm chí được dùng làm vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo ước tính của các chuyên gia, lượng ricin có trong 1-2 hạt thầu dầu cũng đủ để giết chết một người lớn với độc tính mạnh hơn xyanua gấp 1.000 lần.
Ricin cũng được dùng trong các bom thư khủng bố
2. Điệp viên mèo nghe lén
Cũng trong thời kỳ này, các thiết bị nghe lén được chế tạo chưa có được chất lượng cao nhất. Lượng tiếng ồn và tạp âm luôn xuất hiện nhiều và làm giảm chất lượng của thông tin quan trọng trong công tác điệp viên. Do đó vào thập niên 1950-1960, Mỹ đã có ý tưởng sử dụng mèo và huấn luyện thành điệp viên nghe lén.
Ý tưởng này xuất phát từ thực tế bộ phận ốc tai của mèo có khả năng lọc bỏ những tạp âm không cần thiết. Vì vậy, các chuyên gia đã cấy một microphone vào tai loài này, một máy phát radio cạnh hộp sọ và một viên pin trong bụng cùng ăng-ten ở đuôi.
Những con mèo đã mang theo rất nhiều hi vọng của giới chuyên gia
Sau đó, các "điệp viên" này được huấn luyện trong thời gian dài với những bài tập vượt chướng ngại vật. Ai cũng hi vọng chúng sẽ trở thành một thế hệ mới trong công tác điệp viên lúc bấy giờ với giá trị hàng triệu USD/con mèo.
Thế nhưng thật không may cho người Mỹ, những con mèo trên không từ bỏ được thói quen đi lang thang để tìm thức ăn của mình. Kết quả là chúng thường không đến được nơi mà các chuyên gia đã huấn luyện và đặt mục tiêu.
Tuy nhiên, những điệp viên mèo đã làm giới khoa học thất vọng.
3. Điều khiển tấn công từ xa
Với các bác sĩ, những thiết bị y tế sử dụng sóng từ như máy bơm insulin, máy khử rung tim cấy dưới da và máy điều hòa nhịp tim là những vật dụng hết sức quen thuộc trong việc điều trị hàng ngày.
Tuy nhiên, họ đâu biết các thiết bị tương tự như vậy hoàn toàn có thể bị kiểm soát và lợi dụng từ xa.
Cụ thể, chỉ với một chiếc máy tính xách tay và bộ ăng-ten cỡ lớn, các siêu điệp viên hay hacker có thể tấn công vào các thiết bị y tế trên cơ thể nạn nhân và điều khiển theo ý muốn của mình.
Chẳng hạn, máy trợ tim có thể bị lợi dụng để làm tăng nhịp tim, hay máy bơm insulin sẽ bị giật dây để bơm quá liều lượng cho phép.
Những thiết bị y tế dễ bị lợi dụng nhất
Các thiết bị y tế hiện đại sử dụng sóng không mấy an toàn như nhiều người lầm tưởng
Tại hội nghị Black Hat Security ở Las Vegas vào năm 2011, hacker Jerome Radcliffe đã chứng minh với cả thế giới rằng anh ta có thể tự hack máy bơm insulin của mình. Tuy nhiên, may mắn là cho tới nay thế giới chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào kẻ xấu lợi dụng tính năng trên của các thiết bị y tế.
4. Máy ghi âm bằng... hình ảnh
Lâu nay, chúng ta thường nghĩ chỉ có các phần mềm ghi âm chuyên dụng mới có thể thu lại tín hiệu âm thanh trong cuộc sống. Tuy nhiên, đây là một lầm tưởng có phần... quá đỗi ngây thơ.
Trong bài phát biểu tại hội nghị SIGGRAPH 2014, các nhà khoa học thuộc Đại học Texas đã giới thiệu một cách thức có thể tái dựng toàn bộ một cuộc hội thoại chỉ bằng cách chụp những bức ảnh về khung cảnh của cuộc hội thoại đó.
Mắt người có thể không nhìn thấy nhưng ống kính máy ảnh sẽ không bỏ qua...
...bất cứ rung động nào của các sóng âm
Nguồn gốc của thiết bị gián điệp tiên tiến này chính là dựa trên một số đặc điểm của sóng âm thanh. Theo đó, sóng âm thanh lan truyền trong không gian sẽ gây nên những rung động đặc biệt.
Mắt thường con người không thể nhận biết nhưng các máy ảnh thì hoàn toàn có thể. Vì vậy, bằng cách phân tích các bức ảnh, giới khoa học có thể tái tạo lời nói và âm thanh gốc từ các rung động thu được.
Quy trình tái tạo âm thanh bằng máy ghi âm hình ảnh
Về mặt lý thuyết, nếu áp dụng cách thức này, chúng ta có thể nghe lại toàn bộ nội dung một cuộc nói chuyện chỉ với việc chụp ảnh hoặc quay phim địa điểm cuộc nói chuyện đó mà không phải cài bất cứ thiết bị nào.