Xin giới thiệu với độc giả, 4 công trình đã từng gây tiếng vang trên thế giới nhưng chỉ một phần từ mức độ hoành tráng mà chủ yếu từ những khiếm khuyết trong khâu thiết kế và những tính toán không hợp lý khiến chúng trở thành những bài học nên tránh.
Cầu treo Tacoma (Mỹ) bị sập vào năm 1940
Đây là một trong những đồ án thiết kế nổi tiếng nhất bởi qua đó người ta có thể kiểm chứng một cách nhanh chóng rằng một chiếc cầu treo hoàn toàn có thể bị sập gãy chỉ vì… những trận gió mạnh.
Cầu Tacoma bắc qua một con sông dài 800 mét và tại thời điểm đó là chiếc cầu treo dài thứ ba thế giới, chỉ sau cầu Cổng Vàng (San Francisco, Mỹ) và cầu George Washington (New York, Mỹ). Với hình dáng nhỏ gọn và nhẹ, chiếc cầu này có độ uyển chuyển hơn nhiều cây cầu bình thường khác và ngay từ những trận gió đầu tiên, người sử dụng đã nhận thấy độ lắc của chiếc cầu.
Một kỹ sư lúc đó đã nghĩ đến việc phải tìm kiếm các biện pháp để tăng cường độ chắc chắn của cầu và quyết định quay lại hình ảnh chiếc cầu này vào tháng 11/1940. Ngày hôm đó, gió có cường độ rất mạnh và nhà làm phim nghiệp dư này đã có cơ hội quay được những cảnh lắc lư ấn tượng và cả hình ảnh toàn bộ cây cầu đổ sụp xuống sông.
Trung tâm Citicorp (New York, Mỹ), khánh thành năm 1977, khắc phục sự cố năm 1978
Toà nhà khổng lồ Citicorp được khánh thành vào năm 1977. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, kỹ sư trưởng của công trình là William LeMessurier đã phải gấp rút tìm kiếm giải pháp để tránh nguy cơ toà nhà có thể bị sập. Trước đó, việc xây dựng toà nhà ở vị trí này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt và kéo dài của giới giáo sĩ do họ không muốn di dời một nhà thờ ở khu vực đó.
Cuối cùng, các giáo sĩ chỉ cho phép sử dụng không gian bên trên của nhà thờ và điều này đã ảnh hưởng đến thiết kế của công trình 59 tầng này. Sau khi xây dựng, một sinh viên kiến trúc đã cảnh báo với LeMessurier rằng toà nhà có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu như có gió quá to.
Và thật may mắn, LeMessurier đã triển khai chiến dịch gia cố toà nhà ngay trước khi một cơn bão đổ vào New York.
Cầu Millenium (Anh) tạm ngưng sử dụng sau 2 ngày khánh thành
Được khánh thành vào ngày 10/6/2000 nhưng cầu Millenium bắc qua sông Thames (Luân Đôn, Anh) đã phải tạm ngừng sử dụng chỉ 2 ngày sau đó do những người đi bộ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn khi đi qua cầu. Nguyên nhân của vấn đề này là do những người đi bộ đã cố gắng giữ thăng bằng khi đi trên cầu, do cầu có hiện tượng bị lắc.
Khi xây dựng, các kỹ sư đã thiết kế để cầu hơi lắc nhẹ khi có gió. Nhưng hậu quả là chỉ một cơn gió nhẹ nhất cũng làm lắc lư chiếc cầu. Với nhiều người trên cầu cùng một lúc, hiện tượng này càng rõ rệt hơn và một số người còn lo ngại bị rơi xuống nước.
Chính vì thế, các kỹ sư đã phải xem xét lại và lắp đặt một hệ thống giảm chấn cho cầu. Nhưng cũng phải đến năm 2002, chiếc cầu này mới được đưa vào sử dụng trở lại.
Sân bay quốc tế Kansai (Nhật Bản)
Với hình dáng như một chiến hạm, sân bay quốc tế Kansai được thiết kế xuất phát từ hình dạng của Nhật Bản là một quốc đảo nhỏ đang trở nên quá tải vì dân số đông. Sân bay này có nhiệm vụ bảo đảm giao thông hàng không cho hai thành phố Kobe và Osaka nên cần một diện tích xây dựng rất lớn và người ta đã nghĩ đến việc phải lấp biển để xây sân bay.
Việc xây dựng sân bay trên một hòn đảo gần vịnh Osaka bắt đầu được triển khai vào năm 1987 với khối lượng công việc khổng lồ: mất 3 năm đổ gạch vữa lấp biển với 10.000 công nhân và 80 xà lan làm việc không ngừng nghỉ để dựng nên một hòn đảo nhân tạo. Nhưng các nhà địa chất đã không nhận thức được rằng trước hết cần xử lý tầng đất sét nhão dưới đáy biển theo hình thức nén chặt và đẩy nước ra ngoài, giống như một miếng bọt biển cần được vắt cạn nước.
Đến năm 1997, hòn đảo nhân tạo này đã bị lún xuống khoảng 10 mét. Các công việc gia cố khẩn cấp đã cho phép sân bay trụ vững qua trận động đất năm 1995 (xảy ra tại Kobe) và những trận gió khủng khiếp của trận bão năm 1998. Tuy nhiên, cho đến nay, hòn đảo nhân tạo này vẫn tiếp tục bị lún khoảng 30 cm/năm.