Cách đây hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, khi chưa có trang thiết bị hiện đại, con người đã xây được những công trình ngoạn mục dưới lòng đất.
Hầm chứa nước Basilica Cistern
Những cột đá cẩm thạch trong hầm chứa nước Basilica Cistern ở Istanbul. (Ảnh: Xinhua).
Ẩn dưới thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, là hàng trăm hầm chứa cổ xưa từng lưu trữ và cung cấp nước cho cư dân thời xưa. Lớn nhất trong số này là Basilica Cistern, đồ sộ đến mức được mệnh danh là "Cung điện chìm". Basilica Cistern được hoàng đế Đông La Mã Justinian I, xây dựng vào năm 532 nhằm giải quyết vấn đề hạn hán của thành phố. Hầm chứa dài 138 m, rộng 64,6 m, có diện tích gần 10.000 m2 và chứa được tới 80.000 m3 nước.
Quá trình xây dựng Basilica Cistern rất kỳ công với 336 cột đá cẩm thạch chống đỡ cho căn hầm. Theo một số chuyên gia, đa số cột được tái chế từ những công trình cũ. Hầm chứa không còn được sử dụng sau thế kỷ 10 do việc bảo trì quá tốn chi phí và nhân lực. Qua nhiều năm, hàng tấn bùn che lấp căn hầm cho đến khi nó được phát hiện lại và gia cố vài lần, bắt đầu từ thế kỷ 18.
Kênh dẫn nước Gadara
Kênh dẫn nước Gadara dưới lòng đất. (Ảnh: Ancient Origins).
Kênh dẫn nước Gadara được xây dựng để cung cấp nước cho cụm 10 thành phố thời La Mã - Hy Lạp hóa, ngày nay thuộc Syria và Jordan. Kênh nước với kỹ thuật đáng kinh ngạc này thuộc về Đế quốc La Mã và nhiều khả năng chịu ảnh hưởng của người Ba Tư.
Hệ thống kênh dài 170 km không chỉ là kênh dẫn nước ngầm cổ đại dài nhất thế giới mà còn là hệ thống phức tạp nhất. Công trình được xây với độ chính xác rất cao. Độ dốc của kênh ngầm cực kỳ nhỏ, chỉ giảm 30 cm mỗi km. Kênh Gadara dẫn nước ngọt từ những nguồn cách xa 100 km tới vùng ngoại ô phía tây thành phố. Khi hoàn thành xây dựng hệ thống dẫn nước, các công nhân đã đào hơn 600.000 m3 đá vôi, tương đương hơn 1/4 tổng khối lượng của Đại kim tự tháp Giza.
Thành phố ngầm Derinkuyu
Đường hầm dẫn vào thành phố ngầm Derinkuyu. (Ảnh: Travel Turkey).
Bên dưới những con đường lát sỏi ở thành phố Derinkuyu là mạng lưới đường hầm và phòng ở cổ đại có thể làm nơi trú ẩn cho 20.000 người. Nằm dưới độ sâu hơn 85 m và bao gồm 18 tầng, đây là thành phố ngầm lớn nhất thế giới từng được phát hiện.
Công trình được tái phát hiện vào năm 1963 khi một người đàn ông địa phương liên tục mất gà. Sau khi nhận thấy đàn gà rơi xuống một khe nứt trong quá trình sửa nhà, người chủ tìm thấy lối đi tối om dẫn tới quần thể. Có hàng trăm ngôi nhà trong khu vực cũng có lối ẩn dẫn vào khu đô thị dưới lòng đất. Xen kẽ giữa những ngóc ngách của quần thể là các phòng từng được dùng làm nơi hội họp, chuồng gia súc, bếp, nhà kho, nhà tù nhỏ. Công trình thậm chí có hệ thống thông khí hiệu quả cho phép không khí trong lành tuần hoàn sâu trong cấu trúc mê cung.
Thành phố ngầm Derinkuyu chủ yếu đóng vai trò là nơi trú ẩn trong chiến tranh hoặc thời kỳ khó khăn. Niên đại của thành phố vẫn gây tranh cãi trong giới học giả, nhưng một số ước tính cho rằng công trình ra đời cách đây 2.800 năm.
Hang động vỏ sò Margate
Hang động vỏ sò Margate ở Anh. (Ảnh: Keith Edkins).
Điều khiến thị trấn ven biển Margate ở hạt Kent, Anh, trở nên đặc biệt là sự hiện diện của Hang động vỏ sò Margate. Năm 1835, hiệu trưởng trường học địa phương, James Newlove, muốn xây một chiếc ao trong vườn nhà. Trong lúc đào, xẻng của ông rơi xuống khe nứt lớn dưới một tảng đá. Ông dùng dây thừng đưa con trai xuống để nhặt món đồ. Tuy nhiên, khi quay lên, cậu bé lại kể về những đường hầm trang trí vỏ sò bên dưới.
Những chuyến khai quật sau đó hé lộ một hang động ngoạn mục chứa hơn 4,6 triệu vỏ sinh vật biển gắn trên bức tranh khảm rộng 600 m2. Điều khiến hang động vỏ sò Margate trở nên bí ẩn là các chuyên gia không có thông tin gì về công trình này. Họ không rõ chính xác nó được xây dựng khi nào, do ai và nhằm mục đích gì.
Mạng lưới đường hầm của Rome
Một phần của mạng lưới đường hầm bên dưới Rome. (Ảnh: Ancient Origins).
Bên dưới những con đường ở Rome, Italy, là một mạng lưới đường hầm và mỏ đá tồn tại từ thời kỳ đầu của thành phố. Ban đầu, đây là những đường hầm để người La Mã cổ đại khai thác đá phục vụ cho việc xây dựng thành phố. Thành phố sau đó mở rộng và được xây dựng cả phía trên những đường hầm. Sau đó, khi việc khai thác đá kết thúc, người xưa bắt đầu sử dụng mạng lưới ngầm này làm hầm mộ, trồng nấm và làm hệ thống thoát nước. Trong Thế chiến II, người ta còn sử dụng chúng làm hầm tránh bom.
"Có hàng trăm km hầm chạy bên dưới thành phố và vùng ngoại ô. Một phần của mạng lưới đã được hiểu rõ và mở cửa cho khách tham quan, trong khi những phần khác vẫn chưa được khám phá kỹ. Có lẽ cũng có nhiều hầm mộ bị thất lạc", Adriano Morabito, chủ tịch hiệp hội Roma Sotterranea, cho biết.